7 ví dụ về chiến lược tiếp thị thành công
Đối với các nhà tiếp thị, việc học hỏi những chiến dịch marketing nổi tiếng chính là một cách nâng tầm tư duy và vun đắp kỹ năng hiệu quả. Bài viết dưới đây chia sẻ một vài ví dụ về các chiến lược marketing mang lại hiệu quả lớn cho các thương hiệu đình đám trên thế giới.
1. Khu nghỉ dưỡng Seven Springs: Tiếp thị du kích
Marketing du kích (Guerrilla Marketing) là một chiến lược quảng cáo tập trung vào chiến thuật Marketing độc đáo với chi phí thấp, mang lại kết quả tối đa. Thực chất tiếp thị kiểu du kích là lối tiếp thị không dựa trên bất kỳ quy tắc nào. Doanh nghiệp sử dụng bất kỳ điều gì mà mình cho rằng là độc đáo, ít tiền và tất nhiên điều đó là phù hợp luật pháp để tiếp thị cho doanh nghiệp mình.
Seven Springs Mountain Resort, một khu nghỉ mát quanh năm tại bang Pennsylvania (Mỹ), đã trở nên nổi tiếng vào tháng 1/2022 sau khi trang Twitter của họ đăng tải đoạn video một nhân viên đưa tin về thời tiết tại khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng mạng chú ý là ở phía sau khung hình, cách người người nhân viên không xa, một người trong bộ đồ trượt tuyết liên tục trượt ngã trên các bậc thang băng giá. Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với hơn 7,4 triệu lượt xem tại thời điểm đó.
Mặc dù đây trông giống như một khoảnh khắc tồi tệ vô tình được ghi lại trên máy quay. Tuy nhiên, khu nghỉ mát xác nhận rằng vận động viên trượt tuyết gặp khó khăn là một phần của một tiểu phẩm được dàn dựng.
Đây không phải lần đầu Seven Springs đăng tải video dàn dựng có cảnh hoãn loạn ở background. Giám đốc tiếp thị cho biết công ty đã thực hiện chiến lược này được một thời gian, nhưng đây là lần đầu tiên thực sự thành công.
2. Spotify: Cung cấp trải nghiệm người dùng khác biệt
Có rất nhiều dịch vụ phát nhạc trực tuyến nhưng điều làm nên sự độc đáo của Spotify là tập trung vào việc giúp người dùng khám phá nội dung mới. Spotify phá vỡ khuôn mẫu của các nền tảng phát trực tuyến nhạc truyền thống bằng cách cung cấp cho người nghe những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Ví dụ, ngoài bộ lọc điển hình theo thể loại, Spotify còn cho phép người dùng chọn nhạc dựa trên tâm trạng của họ. Nền tảng này tạo ra các danh sách phát phù hợp khi người dùng muốn tập thể dục, ngủ, hay thậm chí cần một số bài hát để hát trong nhà tắm. Điều này giúp khách hàng khám phá ra những bài hát mà họ chưa từng nghe. Spotify cũng là những người đi đầu trong việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để quản lý danh sách phát cụ thể dựa trên thói quen của người dùng, chẳng hạn như Release Radar và Discover Weekly.
3. GoPro: Đặt niềm tin vào nội dung do người dùng tạo
Camera hành trình GoPro là sản phẩm ưa thích của các vận động viên và những người thích phiêu lưu, mạo hiểm vì chúng có thể ghi lại những nội dung gần như không thể ghi lại bằng máy ảnh truyền thống. Một trong những chiến lược tiếp thị tốt nhất của GoPro là khuyến khích khách hàng chia sẻ những nội dung do chính họ tạo ra.
Các chương trình chỉnh sửa của GoPro tạo video có khung bắt đầu và khung kết thúc khiến mọi người dễ dàng nhận ra video được quay lại bằng camera GoPro. Công ty sau đó chia sẻ những video này trên phương tiện truyền thông xã hội, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người dùng tạo và đăng tải video của riêng họ.
4. Sephora: Thực hiện các chương trình khách hàng thân thiết
Thương hiệu mỹ phẩm Sephora có chương trình khách hàng thân thiết được thiết kế bài bản và rất hiệu quả. Chương trình “Beauty Insider” của họ chia khách hàng thành ba cấp độ theo mức chi tiêu hàng năm: Beauty Insider (không có chi phí tối thiểu), VIB (chi tiêu tối thiểu 350 USD/năm) và VIB Rouge (chi tiêu tối thiểu 1000 USD/năm).
Phần thưởng ở cấp cao nhất là những sản phẩm đáng mơ ước, các thành viên VIB và VIB Rouge được giảm giá nhiều hơn so với Beauty Insider và những người không phải là thành viên. Điều này khuyến khích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn để được nâng cấp xếp hạng và hưởng các ưu đãi lớn hơn.
5. Nike: Thúc đẩy giá trị của thương hiệu
Có rất ít thương hiệu dễ có slogan dễ nhận biết như Nike - “Just do it”. Ngay từ đầu, Nike đã tập trung tiếp thị vào việc thúc đẩy các giá trị thương hiệu như vượt qua nghịch cảnh hoặc tạo ra sự đổi mới.
Để truyền tải văn hóa này đến khán giả của mình, Nike chủ yếu dựa chiến lược storytelling với những câu chuyện đầy cảm hứng. Một chiến dịch quảng cáo giày chạy bộ của Nike sẽ không tập trung vào độ bền hay trọng lượng nhẹ của sản phẩm - thay vào đó, nó sẽ gieo mầm ý tưởng rằng chính khách hàng có thể trở thành một vận động viên giỏi bằng cách đi giày Nike. Thương hiệu đưa ra thông điệp rằng ai cũng có thể trở nên vĩ đại, miễn là bạn kiên trì theo đuổi nó đến cùng và không bỏ cuộc.
6. The body shop: Green marketing
Green Marketing là hình thức phát triển và bán hàng hóa hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường. Hình thức này giúp thương hiệu nâng cao uy tín, mở rộng phân khúc đối tượng khách hàng mới và tạo sự nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh khi ngày càng nhiều người có ý thức hơn về môi trường.
Xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành.
The body shop là một ví dụ thành công về áp dụng chiến lược tiếp thị xanh cho các thương hiệu thân thiện với môi trường. Thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng này tuyên bố chống lại sự tàn ác bằng chiến dịch không thử nghiệm trên động vật và chỉ bán các sản phẩm 100% thuần chay.
7. Twitch: Tập trung vào thị trường ngách
Twitch là một trong những mạng xã hội thành công nhất trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều người biết đến nó. Đó là vì Twitch chỉ hoạt động với một chủ đề duy nhất - phát trực tiếp các trò chơi điện tử.
Bí quyết thành công của Twitch là họ không nhắm đến tất cả công chúng số đông. Trên thực tế, công ty quyết định tập trung vào một thị trường ngách rất cụ thể và thiết lập mối quan hệ với người dùng của họ - những người yêu thích game trực tuyến.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.