Ba xu hướng bán lẻ và thương mại điện tử năm 2023
Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Theo Economic Times, doanh số thương mại điện tử năm 2022 được dự báo sẽ thấp hơn 95 tỷ USD so với năm 2021.
Kết hợp thương mại điện tử và cửa hàng vật lý
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử. Khi các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ, người tiêu dùng đang dần quay trở lại các cửa hàng. Tuy nhiên, xu hướng mua sắm online vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2023 do những tiện ích mà nó mang lại.
Ngoài ưu điểm tiết kiệm thời gian, hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện nay cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua hàng.
Jacqueline Baker, Giám đốc Trải nghiệm thương mại tại VMLY&R Commerce cho biết: “Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng toàn cầu đang mua sắm khá nhiều tại các cửa hàng. Tuy nhiên, vai trò của các cửa hàng đã thay đổi. Khách hàng có thể dễ dàng mua mọi thứ trên mạng. Trong khi đó, ngoài mục đích mua sắm những thứ thiết yếu hàng ngày, các cửa hàng đóng vai trò như một “phòng trưng bày” giúp kích thích các giác quan và mang lại niềm vui cho người mua sắm”.
Trải nghiệm mà người mua hàng có được từ các cửa hàng thực không thể được tạo ra trên các cửa hàng trực tuyến. Ghé thăm các cửa hàng đem đến trải nghiệm bất ngờ cho người tiêu dùng khi khám phá những mặt hàng mới lạ.
Lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu. Tại Mỹ, Bộ Lao động cho biết, lạm phát đã tăng 8,3% từ tháng 8 năm ngoái, tồi tệ hơn so với các dự báo trước đó. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng nói chung và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của họ trong tương lai. Người dân sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc nhiều hơn khi ra quyết định mua hàng.
Đồng thời, các cửa hàng vật lý sẽ được hưởng lợi khi người tiêu dùng trở nên nhạy cảm với chi phí bổ sung của việc mua hàng online, chẳng hạn như chi phí giao hàng tăng. Ông Baker nhận định: "Các chi phí phụ của sự tiện lợi sẽ bị coi là không cần thiết đối với những người đang cố gắng làm việc để có thêm tiền”.
William Margaritis, Phó Chủ tịch cấp cao về thương mại điện tử tại Reprise Digital, khuyên các thương hiệu và nhà tiếp thị nên thu thập tất cả dữ liệu có thể từ năm 2008-2010. Mục đích là tìm lời giải cho những câu hỏi như: “Khi đó người tiêu dùng đã làm gì? Họ đã phản ứng như thế nào? Thương hiệu của bạn đã làm gì? Điều gì đã giúp ích và điều gì không?”
Ông Margaritis nhận định: “Những gì chúng ta sắp thấy sẽ tương tự. Vào năm 2008, các giao dịch mua hàng lớn sẽ bị ngừng lại trong khi mua những món hàng xa xỉ nhỏ sẽ được coi là phô trương. Năm 2023 rất có thể sẽ lặp lại điều đó”.
Mua sắm online trên mạng xã hội phát triển hơn nữa
Theo báo cáo của Công ty tư vấn Accenture, mua sắm trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok và WeChat sẽ tăng trưởng nhanh hơn 3 lần so với doanh số bán hàng từ các kênh truyền thống trong 3 năm tới. Cụ thể, thương mại trên mạng xã hội sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 492 tỷ USD vào năm 2021.
Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi người tiêu dùng Thế hệ Gen Y và Gen Z, những người dự kiến sẽ chiếm 62% chi tiêu cho việc mua sắm online thông qua các nền tảng mạng xã hội vào năm 2023. Các sản phẩm phổ biến nhất được bán qua mạng xã hội là quần áo, đồ điện tử tiêu dùng và đồ trang trí nhà cửa. Những người có ảnh hưởng trên mạng (KOL) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này. Nhiều KOL thậm chí còn thành lập thương hiệu riêng, sử dụng tên tuổi để phát triển các dòng sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ nấu nướng đến quần áo.
Travis Johnson, Giám đốc điều hành toàn cầu của Podeion cho biết: “Mua sắm trên mạng xã hội đang trở nên phổ biến hơn và có thể được thực hiện trên nhiều nền tảng - chẳng hạn như Amazon Live, TikTok Shop/Live, Instagram Live”.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.