Gần 70% người Mỹ đang tìm việc làm thêm để đối phó với lạm phát
Theo Cục Thống kê Lao động của Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cắt giảm chi tiêu thôi là không đủ, người Mỹ đang làm việc nhiều hơn để trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao.
Một vài tháng trước, Mike Petree nhận thấy tài khoản ngân hàng của mình đang ở trong tình trạng đáng báo động. Mặc dù những thói quen hàng ngày không thay đổi, nhưng các hóa đơn của Petree và gia đình 5 người đã tăng vọt: chi tiêu hàng tuần cho hàng tạp hóa tăng từ 120 USD lên 200 USD, và chi phí cho một lần đổ đầy bình xăng tăng gấp đôi từ 50 USD lên 100 USD.
Petree, 45 tuổi, sống ở thành phố Louisville, bang Kentucky của Mỹ. Anh làm việc cho một công ty thẻ tín dụng, trong khi vợ anh là Giám đốc tại một viện dưỡng lão. Cặp đôi có thu nhập tương đối dư giả và chỉ cách đây vài tháng, họ có thể trang trải mọi nhu cầu một cách thoải mái.
Nhưng với lạm phát phi mã - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, gia đình Petree không thể sống thoải mái như trước nữa. Bắt đầu từ tuần này, anh sẽ làm công việc toàn thời gian của mình trong tuần và làm thêm công việc thu ngân bán thời gian tại cửa hàng bán lẻ Lowe’s vào cuối tuần.
Petree chỉ là một trong số nhiều người Mỹ đang phải đối phó với lạm phát bằng cách làm thêm giờ hoặc tìm kiếm công việc thứ hai. Theo khảo sát được thực hiện vào tháng 9 bởi nền tảng tìm việc làm Bluecrew, gần 70% người Mỹ đang tìm việc làm thêm.
85% người tham gia khảo sát cho biết họ đã thay đổi thói quen chi tiêu do lạm phát, 72% nói rằng giá cả tăng vọt đã ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận công việc và 57% đã tìm kiếm các công việc mới trong năm qua. Một nửa số người được hỏi đang tìm việc làm thêm vào ca tối, ca đêm hoặc cuối tuần. Matt Laurinas, Giám đốc của Bluecrew cho biết: “Lạm phát tăng vọt buộc mọi người không chỉ xem xét cách họ tiêu tiền mà còn cả cách họ kiếm tiền”.
Giá cả tăng cao và những lo ngại về kinh tế đã thúc đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động phục hồi và số giờ làm việc tăng trở lại sau đại dịch. Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang St. Louis cho thấy, gần 5% người Mỹ đang làm nhiều công việc cùng lúc. Trong đó có tới 440.000 người làm cùng lúc hai công việc toàn thời gian - một con số cao kỷ lục.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế của người tiêu dùng có thể khiến một số công ty phải thu hẹp quy mô, Laurinas nói. Ví dụ, Walmart gần đây đã công bố kế hoạch thuê 40.000 nhân viên cho kỳ nghỉ lễ, giảm so với 150.000 nhân viên bán lẻ và 20.000 công nhân chuỗi cung ứng được thuê vào năm ngoái. Điều đó có thể gây khó khăn cho những người dự định tìm kiếm công việc thời vụ trong kỳ nghỉ lễ để trang trải các hóa đơn sinh hoạt.
Cuộc khảo sát của Bluecrew cũng cho thấy nhiều người lao động đã có kế hoạch thay đổi công việc trong năm mới để bắt kịp với chi phí tăng cao: 65% người tham gia nói rằng họ sẽ tìm kiếm cơ hội mới vào năm 2023. Con số đó có thể tăng lên nếu suy thoái kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Những người được hỏi cho biết lương là yếu tố quan trọng nhất đối với họ khi chấp nhận một công việc mới, tiếp theo là vị trí, lịch trình làm việc (có thể làm việc vào buổi sáng, buổi tối hoặc có ca làm việc cuối tuần), tính linh hoạt và cơ hội thăng tiến.
Về phần Petree, anh đã lựa chọn công việc thứ hai theo lời giới thiệu của một đồng nghiệp cũng làm điều tương tự. Với mức lương 15 USD/giờ và 20 giờ/tuần, Petree hy vọng điều này sẽ giúp gia đình anh bớt căng thẳng vì giá cả tăng cao.
Người đàn ông lo lắng việc làm thêm có thể dẫn đến kiệt sức. Do đó, thay vì làm việc bảy ngày một tuần, anh đang cân nhắc làm ca sáng từ 6h đến 10h tại cửa hàng Lowe’s vào các ngày trong tuần trước khi bắt đầu công việc toàn thời gian từ 11h đến 20h. Petree thừa nhận đó sẽ là một ngày dài, nhưng đây là cách duy nhất giúp anh có ngày cuối tuần để nghỉ ngơi và ở bên gia đình.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.