Những tỷ phú thế giới "rớt đài" thê thảm nhất
Sam Bankman-Fried – nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã từ một trong 50 người giàu nhất nước Mỹ trở nên trắng tay chỉ trong vài ngày. Dưới đây là những thất bại lớn nhất của các tỷ phú – những người chứng kiến khối tài sản khổng lồ bốc hơi chỉ trong tích tắc.
1. Kanye West
Giá trị tài sản ròng cao nhất: 2 tỷ USD vào tháng 4/2022
Giá trị tài sản hiện tại: 400 triệu USD
Thời điểm sụp đổ: 10/2022
Rapper nổi tiếng Kanye West từng thành công về mặt thương mại trong 20 năm qua. Song nam nghệ sĩ đã tự “đạp đổ” sự nghiệp của mình sau hàng loạt tuyên bố bài Do Thái. Hiện không có hãng thu âm hay công ty phát hành âm nhạc nào muốn hợp tác với Kanye West.
Vào tháng 10, Adidas đã ngừng hợp tác với Yeezy – thương hiệu giày của nam rapper kiêm nhà thiết kế này. Một loạt các đối tác khác cũng cắt đứt quan hệ hợp tác với Yeezy, bao gồm hãng thời trang Pháp Balenciaga, nhà bán lẻ Foot Locker, công ty quản lý tài năng CAA.
Bất chấp sự sụp đổ của đế chế kinh doanh, Kanye West vẫn sở hữu khối tài sản ước tính trị giá 400 triệu USD từ giá trị bất động sản cá nhân, danh mục âm nhạc, tiền mặt và 5% cổ phần tại Skims, thương hiệu đồ lót định hình trị giá 3,2 tỷ USD do vợ cũ của ông – tỷ phú Kim Kardashian thành lập.
2. Nirav Modi
Giá trị tài sản ròng cao nhất: 1,8 tỷ USD vào năm 2015
Giá trị tài sản ròng hiện tại: không có dữ liệu
Thời điểm sụp đổ: Năm 2018
Nirav Modi từng xếp thứ 85 trong danh sách những người giàu nhất Ấn Độ với tài sản trị giá 1,8 tỷ USD. Ông đã sáng lập đế chế trang sức mang tên mình từ năm 2010 tại thành phố Mumbai
Ông trùm kim cương một thời hiện đang bị giam tại nhà tù Wandsworth ở Tây Nam London do cáo buộc liên quan tới vụ lừa đảo ngân hàng trị giá 2 tỷ USD. Theo Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI), ông Modi và một số lãnh đạo tại Ngân hàng Quốc gia Punjab bị cáo buộc phát hành thư đảm bảo giả mạo cho các ngân hàng nước ngoài để giành được sự tin tưởng.
Modi đã trốn khỏi Ấn Độ vào năm 2018, ngay trước khi vụ bê bối nổ ra và bị bắt tại London vào một năm sau. Chính quyền Ấn Độ đã thu hồi các tài sản của vị tỷ phú này. Tổng tài sản bị tịch biên trị giá gần 90 triệu USD, trong đó có 1 căn nhà ở London (Anh) và 2 ngôi nhà ở New York (Mỹ).
3. Rishi Shah
Giá trị tài sản ròng cao nhất: 3,6 tỷ USD vào năm 2017
Giá trị tài sản tài sản hiện tại: 0 USD
Thời điểm sụp đổ: Năm 2018
Rishi Shah là nhà sáng lập trẻ tuổi của công ty khởi nghiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe nổi tiếng Outcome Health. Startup này đã huy động được 600 triệu USD vốn đầu tư và đạt mức định giá 5,6 tỷ USD vào tháng 5/2017.
Tuy nhiên, trong vòng hai năm sau khi Shah bước vào hàng ngũ tỷ phú, ông và hai Giám đốc điều hành hàng đầu của Outcome đã bị tố cáo ăn cắp khoảng 1 tỷ USD từ khách hàng, người cho vay và nhà đầu tư bằng cách trình bày sai về hoạt động tài chính của công ty và sự thành công của các sản phẩm của công ty. Cả ba đều không thừa nhận cáo buộc vào năm 2019 và sẽ bị xét xử vào năm 2023.
4. John Kapoor
Giá trị tài sản ròng cao nhất: 3,3 tỷ USD vào năm 2015
Giá trị tài sản hiện tại: Không có dữ liệu
Thời điểm sụp đổ: Năm 2017
John Kapoor là nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch của công ty sản xuất thuốc Insys Therapeutics. Vào tháng 10/2017, Kapoor bị buộc tội hối lộ bác sĩ để kê đơn thuốc giảm đau Subsys mạnh gấp 100 lần morphine cho những bệnh nhân không cần đến nó, đồng thời hối lộ các chuyên gia tại các hội thảo về sức khỏe để họ đề cao lợi ích sử dụng loại dược phẩm thuộc này.
Insys tuyên bố phá sản vào năm 2019. Doanh nhân ngành dược phẩm đã rớt khỏi bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes chỉ vài tháng sau khi bị bắt, đã nhận án tù 5 năm rưỡi vào năm 2020 sau khi bồi thẩm đoàn kết luận ông và 4 Giám đốc điều hành khác của Insys tội âm mưu gian lận. Theo Cục Nhà tù Liên bang, Kapoor sẽ được trả tự do vào tháng 8/2024.
5. Elizabeth Holmes
Giá trị tài sản ròng cao nhất: 4,5 tỷ USD vào năm 2015
Giá trị tài sản hiện tại: 0 USD
Thời điểm sụp đổ: Năm 2016
Elizabeth Holmes, nhà đồng sáng lập Theranos – công ty công nghệ ý tế từng được định giá 9 tỷ USD. Bà Holmes từng được ca ngợi như một nhân vật truyền cảm hứng vì phát triển một thiết bị mà bà tuyên bố sẽ cách mạng hóa việc xét nghiệm máu bằng cách chỉ sử dụng một hoặc hai giọt máu từ đầu ngón tay của một người. Năm 2015, nữ tỷ phú được tạp chí Forbes vinh danh là người phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ.
Nhưng chỉ một năm sau, giá trị tài sản ròng của bà Holmes đã trở về con số 0, sau khi công nghệ mà bà từng giới thiệu tỏ ra không đáng tin cậy và Theranos phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra từ các cơ quan liên bang. Năm 2018, Elizabeth Holmes bị truy tố vì tội lừa đảo. Vụ án được đưa ra xét xử vào năm 2021. Vào tháng 1/2022, bà đã bị cáo buộc 4 tội danh bao gồm việc lừa đảo về công nghệ của startup Theranos, về các triển vọng tài chính cũng như kinh doanh của công ty với các nhà đầu tư. Ngày 11/8 vừa qua, tòa án đã tuyên phạt Elizabeth Holmes hơn 11 năm tù, khép lại một trong những scandal chấn động và kéo dài nhất tại Thung lũng Silicon thời gian qua.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.