Trả hồ sơ vụ án Nguyễn Phương Hằng để làm rõ vai trò đồng phạm
VKSND TPHCM quyết định trả hồ sơ vụ Nguyễn Phương Hằng để tiếp tục điều tra, làm rõ một số nội dung liên quan của người đồng phạm và xem xét nhập vụ án.

Hôm nay ngày 06/9, VKSND TPHCM cho biết, đơn vị này đã quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TPHCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại điều 331, Bộ luật Hình sự.
Lý do trả hồ sơ là để cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò đồng phạm của những người liên quan trong vụ án; Xem xét nhập vụ án do Công an Bình Dương khởi tố liên quan đến bà Hằng để giải quyết chung.
Theo kết luận điều tra, khoảng tháng 3/2021, Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, tổ chức các buổi livestream trên mạng xã hội, phát ngôn nhiều nội dung chưa được kiểm chứng, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, danh dự của 3 cá nhân.
Giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng là các nhân viên Công ty CP phần Đại Nam. Ngoài ra có 2 luật sư tham gia và phát biểu trong các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng.
Kết luận điều tra nêu, các cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung, khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.
Đối với các cá nhân sử dụng YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích câu like, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh, làm rõ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 24/3, Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Nguyễn Phương Hằng còn bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.