Xã Tân Phương (Huyện Thanh Thủy): Bến bãi không phép hoạt động công khai bên bờ sông Đà
Bến bãi hoạt động không phép, san gạt đất làm nơi tập kết và trung chuyển, làm cầu hướng ra lòng sông đó là thực trạng đã và đang xảy ra tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Như Công lý & Xã hội đã thông tin về hoạt động bến bãi không phép diễn ra công khai trên khu vực sông Đà đoạn qua địa bàn xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong quá trình tác nghiệp, từ thông tin của người dân, phóng viên tiếp tục ghi nhận hai bến bãi hoạt động không phép, có dấu hiệu xâm lấn hành lang sông, hành lang thoát lũ nghiêm trọng tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy.
Bến đầu tiên, từ đường 316 đi vào vài chục mét hướng ra phía sông Đà là bắt gặp bến này. Theo quan sát, bến bãi này có quy mô khá lớn, được hình thành trên khu đất có diện tích lên tới hàng ngàn m2, nằm cách nghĩa trang liệt sỹ huyện Thanh Thủy chừng vài trăm mét.
Khu vực này là bến bãi tập kết cao lanh, đất, đá, cát, các loại khoáng sản… Đáng lưu ý, chủ bến bãi này còn cho xây dựng một cây cầu dài hàng chục mét bằng bê tông cốt thép rất kiên cố mà theo người dân cây cầu này để ô tô chuyển cao lanh, đất, đá, cát, các loại khoáng sản… thẳng xuống tàu, thuyền đang neo đậu tại đó rồi chở đi. Hoạt động của bến bãi này diễn ra một cách công khai, quy mô.
Phóng viên ghi nhận quanh khu vực này không có biển hiệu, biển chỉ dẫn là bến thủy nội địa hay bến hàng hóa, chỉ thấy các xe tải ra vào thường xuyên tại bến.
Việc san lấp mặt bằng làm bến, xây cầu kiên cố tại bến bãi này có dấu hiệu vi phạm hành lanh sông, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở, làm thay đổi dòng chảy và đặc biệt là quá trình vận chuyển, bốc xếp cao lanh, đất, đá, các loại khoáng sản có thể làm rơi vãi, bồi lắng lòng sông… gây ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị H. (người dân sinh sống tại địa phương) cho hay, bến bãi này hoạt động nhiều năm nay, hàng ngày lượng ô tô ra vào vận chuyển rất nhiều, nhưng khi thấy lực lượng chức năng xuống kiểm tra thì chuyển sang hoạt động vào ban đêm.
Bến thứ hai phóng viên ghi nhận chỉ cách trụ sở UBND xã Tân Phương khoảng 600m. Theo quan sát, bến này hoạt động bên bờ sông Đà, xen lẫn vào khu vực trồng hoa màu của người dân. Tại bến, tập kết rất nhiều loại khoáng sản. Người dân cho hay, hàng ngày, nhiều ô tô tải ra vào bến để chở vật liệu. Bên trong máy xúc hoạt động để múc vật liệu lên xe tải chở đi.
Tại khu vực này, một căn nhà cũng được dựng lên, một cầu cảng được xây dựng, lắp đặt hướng ra lòng sông. Đáng lưu ý hơn, khu vực bến này hoạt động có dấu hiệu xâm phạm hành lang thoát lũ của sông Đà.
Phóng viên đã liên hệ và làm việc với ông Trần Dần – Chủ tịch UBND xã Tân Phương. Tại buổi làm việc, ông Trần Dần khẳng định, trên địa bàn xã Tân Phương không có bến bãi nào hoạt động, chỉ có một điểm khai thác cát có giấy phép tại khu vực giáp ranh với xã Thạch Đồng. Chủ tịch UBND xã Tân Phương còn khẳng định “chắc nịch” rằng nếu có bến bãi nào hoạt động thì xã nắm được ngay.
Chủ tịch UBND xã Tân Phương khẳng định như vậy, nhưng hình ảnh phóng viên ghi nhận được ngay tại thời điểm đó là hai bến này đang hoạt động và người dân thông tin là bến đã hoạt động công khai nhiều năm. Bến hoạt động không có giấy phép, lại nằm ngay sát đường 316 với lượng xe ô tô ra vào rất nhiều chẳng lẽ chính quyền địa phương lại không nắm được? Đáng nói hơn nữa, hai bến này chỉ cách trụ sở UBND xã Tân Phương một đoạn không xa.
Việc bến bãi hoạt động không phép ngay bên bờ sông Đà đã và đang diễn ra khiến người dân rất bức xúc. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng ở đâu trước tình trạng này? Có hay không việc buông lỏng quản lý, xử lý không triệt để thậm chí là “tiếp tay” cho hoạt động của bến bãi này?
Công lý & Xã hội tiếp tục thông tin.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.