Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài xứng đáng với kỳ vọng đề ra
KKTCK Mộc Bài có lợi thế đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, giao thương, quốc phòng - an ninh… nhưng kết quả phát triển chưa được như mong đợi. Do đó cần phải xây dựng các giải pháp, chính sách để thu hút nhà đầu tư, phát triển KKTCK Mộc Bài phù hợp với xu thế mới.
Chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Từ khi thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài đã có những bước phát triển tích cực, góp phần khơi dậy và phát huy tiềm năng của địa phương, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người dân, tăng thu ngân sách, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, thực hiện vai trò cửa ngõ của Tây Ninh trong phát triển giao thương với Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế thì KKTCK Mộc Bài chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó là do mô hình của KKTCK Mộc Bài chưa rõ, còn đơn giản, chưa có mức độ tự do và tự chủ cao; chưa đặt đúng vị trí của khu trong sự phát triển, liên kết vùng với tầm quan trọng không chỉ đối với tỉnh Tây Ninh mà còn đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ và cả nước; chưa thật sự tạo sức hấp dẫn thu hút các nguồn lực đầu tư và định hướng cho sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của khu kinh tế.
Quy hoạch chung của KKT chưa đáp ứng được mong muốn, chưa có tính dự báo cao, đến nay không còn phù hợp nhưng chưa có định hướng phù hợp để điều chỉnh kịp thời.
Chưa có những thể chế, chính sách mang tính vượt trội, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp đầu đàn, góp phần tạo nên sự bứt phá phát triển. Cơ chế, chính sách trong thời gian qua cũng không ổn định, thiếu tính cạnh tranh...
Hạ tầng chưa phát triển, chưa tạo được sự kết nối thuận tiện, thông suốt với bên ngoài, nhất là với TPHCM. Đây là hệ quả của việc đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm đối với các KKTCK; thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.
Xác định mô hình KKTCK Mộc Bài phù hợp với xu thế phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch KKTCK Mộc Bài; Tăng cường đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng hiện đại; Xác định thể chế, cơ chế, chính sách vượt trội; Huy động nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; Tăng cường hợp tác, kết nối vùng và hội nhập quốc tế - là những vấn đề cần quan tâm để phát triển KKTCK Mộc Bài.
Giải pháp nào để phát triển?
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, muốn phát triển KKTCK Mộc Bài, điều đầu tiên phải xác định mục tiêu, vai trò, chức năng, đây là KKT trọng điểm, một cực tăng trưởng kinh tế và vùng động lực phát triển mới ở phía Nam của đất nước.
Hiện nay các KKT không còn đơn thuần là thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư mà phải nghiên cứu phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kết nối và đổi mới sáng tạo. Hay nói cách khác là xây dựng KKTCK Mộc Bài đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là hình thành một Trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và logistic.
Mộc Bài được nhận định có dư địa đủ để phát triển theo hướng trên, có tầm cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên phải có quy hoạch phù hợp, mang tầm nhìn dài hạn, ổn định làm căn cứ cho việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, quản lý phát triển…
Cụ thể, phải thống nhất, đồng bộ quy hoạch KKTCK Mộc Bài với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, quy hoạch vùng, coi trọng các yếu tố xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Đồng thời, quán triệt phương châm “hạ tầng đến đâu, giàu đến đấy”, nên tận dụng lợi thế từ đường cao tốc Mộc Bài – TPHCM đang được thúc đẩy để kết nối chặt chẽ với TPHCM – sân bay Tân Sơn Nhất – Long Thành, trở thành điểm sáng trong thời gian tới.
Về thể chế, chính sách, nếu chỉ áp dụng những cơ chế, chính sách hiện hành khó có thể tạo ra động lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của KKT trong thời gian tới. Do đó, cần những thể chế, cơ chế, chính sách mới để huy động được các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển cho KKTCK Mộc Bài.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách sẽ không đủ mà phải dựa vào các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, đó có thể là các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, định hướng phát triển phải đủ sức hấp dẫn, quy hoạch dài hạn, rõ ràng, mô hình thể chế, quản trị vượt trội… để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
KKT cửa khẩu Mộc Bài muốn phát triển thành công không thể tách rời, thiếu đồng bộ với sự phát triển của tỉnh Tây Ninh, hành lang kinh tế phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ với đầu tàu là TPHCM và Tiểu vùng Mêkông trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tăng cường hợp tác, kết nối vùng và hội nhập quốc tế, kết nối chính sách, kết nối hạ tầng và kết nối doanh nghiệp là những yếu tố bảo đảm sự thành công của các KKT thế hệ mới. Không chỉ bảo đảm khả năng kết nối hạ tầng “cứng”, các khu kinh tế cần phải bảo đảm được khả năng kết nối hạ tầng “mềm”, đó là thị trường, thể chế, con người, tri thức và hội nhập quốc tế…
KKT cửa khẩu Mộc Bài thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có kinh tế phát triển nhanh, năng động với đầu tàu kinh tế là TPHCM. Nằm trên trục đường xuyên Á, tuyến hành lang phía Nam của Tiểu vùng Mêkông, kết nối TPHCM - Phnom Pênh - BangKok, KKTCK Mộc Bài có lợi thế đặc biệt về vị trí địa chính trị, địa kinh tế chiến lược, có tiềm năng rất lớn để trở thành giao điểm của hệ thống trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Nam Việt Nam. Đây là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương với Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN, cầu nối thương mại, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời còn có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh |
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.