Hà Nội: Đang có “phiên bản tiếp theo của biệt thự sai phạm” tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy?
UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, doanh nghiệp liên tục có kiến nghị, đề xuất nhưng đến giờ này hàng loạt công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất đã được giao cho doanh nghiệp trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy vẫn chưa bị xử lý.

“Trên nóng, dưới lạnh”?
Như Công lý & Xã hội đã thông tin trong nhiều bài viết về hàng loạt công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất đã được UBND TP Hà Nội thu hồi và giao cho Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco) tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội nằm trong Dự án KĐTM Dịch Vọng (phần còn lại).
Theo hồ sơ, ngày 15/10/2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7019/QĐ-UBND về việc thu hồi 216.110m2 do UBND phường Dịch Vọng và UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) quản lý và tạm giao diện tích đất thu hồi cho Lideco để điều tra, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện Dự án KĐTM Dịch Vọng.
Năm 2003, UBND quận Cầu Giấy đã lập phương án tổng hợp bồi thường thiệt hại về đất nông nghiệp, cây cối hoa màu, công trình của các hộ gia đình, tổ chức phải di chuyển giải phóng mặt bằng để xây dựng Dự án KĐTM Dịch Vọng (đợt 1), phường Yên Hòa. Theo phương án này, có 25 hộ gia đình với tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng đợt 1 là 21.642,2m2.
Đến ngày 24/5/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3213/QĐ-UB, thu hồi 216.100m2 đất do hai UBND phường trên quản lý, giao cho Lideco để đầu tư xây dựng dự án KĐTM Dịch Vọng theo Quyết định 2738/QĐ-UB ngày 19/05/2003 của UBND TP Hà Nội. Thực hiện 2 quyết định này, UBND quận Cầu Giấy và chính quyền địa phương thực hiện bồi thường theo đúng phương án được phê duyệt. Có 25 hộ thuộc diện giải tỏa, bồi thường, đến ngày 05/08/2020, toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ đối với 25 hộ này đã hoàn thành.
Tuy nhiên, những năm qua, Lideco không thể tiếp tục triển khai dự án khi trên khu đất công ty đã bồi thường đang tồn tại hàng chục công trình xây dựng không phép (chủ yếu là nhà trọ), hiện trạng khác hoàn toàn so với biên bản kiểm kê hiện trạng đền bù được lập vào thời điểm năm 2003.

Ngày 27/02/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 1280/VPCP-V.I gửi UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về việc yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của công ty theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng UBND TP Hà Nội chuyển văn bản nêu trên đến UBND quận Cầu Giấy xem xét, giải quyết theo quy định và báo cáo kết quả về UBND TP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/3/2021.

Đến ngày 09/8/2021, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Văn bản 8341/VP-GPMB truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu UBND quận Cầu Giấy khẩn trương giải quyết dứt điểm nội dung vướng mắc theo phản ánh của Lideco; báo cáo kết quả về UBND TP trong tháng 8/2021.
Ngày 20/06/2022, Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp tục có Văn bản 5841/VP-TNMT, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, giao UBND quận Cầu Giấy chủ trì phối hợp với Lideco kiểm tra, rà soát có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng tái lấn chiếm (nếu có), đồng thời khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nốt phần còn tồn tại theo quy định…. Có phương án bảo vệ, chống tái lấn chiếm đối với những diện tích đã được giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Có thể thấy rằng, UBND TP Hà Nội đã và đang chỉ đạo rất kiên quyết việc xử lý, giải quyết những vướng mắc tồn tại của Lideco. Thế nhưng, đến hiện tại, hàng chục công trình xây dựng không phép vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật, khiến doanh nghiệp rất bức xúc vì không thể tiếp tục triển khai dự án. Phải chăng đang có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, xử lý công việc theo kiến nghị của doanh nghiệp?
Vừa qua, Lideco nỗ lực tiến hành thực hiện quây tôn, bảo vệ khu đất theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhưng kết quả cũng không như mong muốn vì một số người dân chống đối.
“Chúng tôi xây dựng, ban hành kế hoạch và xin ý kiến UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và các cơ quan có liên quan, nhưng đến khi thực hiện thì một số người dân chống đối rất quyết liệt, họ cản trở việc làm hợp pháp của doanh nghiệp, thậm chí còn chửi bới, lăng mạ chúng tôi, cản trở việc đưa máy móc vào thực hiện”, đại diện Lideco nói.
Xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích của doanh nghiệp
Được biết, một số người dân cư trú trên khu đất của Lideco được UBND TP Hà Nội giao và đã bồi thường giải phóng mặt bằng được Công ty Điện lực Cầu Giấy ký hợp đồng cung cấp điện. Lideco đã có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Cầu Giấy ngưng cung cấp điện cho một số hộ dân này.
“Đất doanh nghiệp đã được giao, đã bồi thường nhưng Công ty Điện lực Cầu Giấy vẫn cung cấp điện cho họ là xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của công ty chúng tôi. Chúng tôi đã có văn bản nói rất rõ nhưng không được chấp thuận. Chính điều này khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn và các cổ đông rất bức xúc”, đại diện Lideco chia sẻ.
Nhằm làm rõ những phản ánh của Lideco, phóng viên đã liên hệ Công ty Điện lực Cầu Giấy để đề nghị phối hợp cung cấp thông tin. Trong văn bản phúc đáp do Phó Giám đốc Công ty Điện lưc Cầu Giấy Nguyễn Kim Ngọc ký ban hành cho biết, việc Công ty Điện lực Cầu Giấy ký hợp đồng cung cấp điện tại địa chỉ 184/41 Hoa Bằng, phường Yên Hòa (khu vực một số người dân xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp, đất đã giao cho Lideco-PV), là đúng quy định của pháp luật và giao dịch giữa người sử dụng điện và Lideco không thuộc phạm vi quản lý của Công ty Điện lực Cầu Giấy.

Công ty Điện lực Cầu Giấy phúc đáp như vậy nhưng xin được nhắc lại rằng việc ký hợp đồng mua bán điện đối với người dân ngoài tuân thủ quy định theo Luật Điện lực, Nghị định 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì trước nhất việc mua bán điện này phải tuân thủ Luật Dân sự. Trong trường hợp này, Công ty Điện lực Cầu Giấy ký hợp đồng mua bán điện với một số hộ dân đã có dấu hiệu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Lideco, bởi lẽ, khu đất này đã được UBND TP Hà Nội thu hồi và giao cho Lideco từ năm 2004, Lideco đã thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật và đang thực hiện dự án.
Trao đổi vấn đề này, Luật sư Ngô Chí Đan – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, khi nhận thấy quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp có dấu hiệu bị xâm hại, doanh nghiệp có quyền khởi kiện Công ty Điện lực Cầu Giấy và những người có liên quan ra Tòa án, đồng thời cũng có quyền thực hiện việc tố cáo tổ chức, cá nhân hành vi xâm phạm đến tài sản của doanh nghiệp.
Được biết, một số người dân hiện đang cư trú trên khu đất của Lideco đã được UBND TP Hà Nội giao không có hộ khẩu, không có tạm trú và theo hồ sơ thì cũng không có GCN QSDĐ, không có tên trong sổ bộ của phường Yên Hòa… thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến hiện tại vẫn được cung cấp điện sử dụng?
Có thể thấy những vấn đề Lideco đang gặp phải đã tồn tại nhiều năm qua, những kiến nghị của doanh nghiệp không phải là những đòi hỏi vô lý mà là nguyện vọng chính đáng. Việc bảo vệ khu đất là trách nhiệm của doanh nghiệp, việc doanh nghiệp kiến nghị thì UBND quận Cầu Giấy, ngành chức năng quận Cầu Giấy cần xem xét giải quyết nhanh chóng, kịp thời đúng quy định của pháp luật và việc xử lý cưỡng chế các công trình xây dựng không phép thuộc thẩm quyền của chính quyền, ngành chức năng quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa.
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm này các công trình xây dựng không phép chưa bị xử lý? Phải chăng có vấn đề gì xoay quanh việc này? Hay có “bàn tay vô hình” nào đó đang cản trở việc doanh nghiệp thực hiện dự án bằng những “hàng rào kỹ thuật”? Liên quan đến vấn đề này, Báo Công lý đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và phóng viên đã liên hệ đề nghị Sở Xây dựng TP Hà Nội phối hợp cung cấp thông tin.
Công lý & Xã hội tiếp tục thông tin.
Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/03/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, nêu rõ: Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm. |
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.