Giám đốc lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều ngân hàng lãnh 18 năm tù
Mặc dù đã bán xe cho khách hàng nhưng Giám đốc công ty sản xuất ô tô vẫn dùng các hồ sơ, giấy tờ cũ thế chấp nhiều ô tô để vay, chiếm đoạt tiền của ngân hàng hàng chục tỷ đồng.
Chiều ngày 23/9, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Chương (SN 1986, ngụ TPHCM) 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan vụ án, Đinh Ngọc Hữu (SN 1982, ngụ tại quận Tân Phú) và Võ Quang Vương (SN 1986, ngụ tại quận Tân Phú) cùng 5 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đồng thời buộc bị cáo Chương phải bồi thường số tiền chiếm đoạt.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chương Phát (sau đây gọi là Công ty Chương Phát) do Lê Văn Chương làm Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất thân xe có động cơ, thiết kế, sản xuất ô tô sát xi (là dạng xe ở dạng bán thành phẩm, chưa đăng ký biển số, chưa đăng ký sở hữu, có thể tự di chuyển, có buồng lái hoặc không có buồng lái, chưa có thùng chở hàng).
Công ty Chương Phát mua xe sát xi, sản xuất thành xe chuyên dụng để bán theo yêu cầu thiết kế của khách hàng hoặc nhận làm dịch vụ thiết kế, đóng thùng, đóng bồn theo đơn đặt hàng của các công ty, cá nhân khác. Khi mua xe sát xi hoặc nhận thiết kế, sản xuất xe chuyên dụng từ xe sát xi, người bán hoặc người thuê giao xe sát xi cho Công ty Chương Phát kèm theo bản chính “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” (gọi tắt là Phiếu xuất xưởng) và bản sao “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất lắp ráp” (gọi tắt là Giấy chứng nhận kỹ thuật) của xe sát xi do Công ty sản xuất xe sát xi phát hành. Đối với Bản chính Phiếu xuất xưởng của xe sát xi, sau khi xe được sản xuất thành phẩm thì không còn được sử dụng và không có quy định quản lý của Nhà nước nên Công ty Chương Phát vẫn lưu giữ.
Do đó, Lê Văn Chương đã sử dụng bản chính Phiếu xuất xưởng xe sát xi lập khống hợp đồng, hóa đơn mua bán xe giữa Công ty TNHH ô tô chuyên dùng Tín Phát, Công ty TNHH TM & DV Phúc Bửu (là 02 Công ty khác do Chương thành lập và điều hành) và Công ty Chương Phát để cung cấp cho các Ngân hàng làm hồ sơ thế chấp tài sản để vay và chiếm đoạt tiền của các Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Bắc Á hơn 31 tỷ đồng.
Đối với Đinh Ngọc Hữu - cán bộ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Võ Quang Vương - Cán bộ Ngân hàng Bắc Á có trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra thực tế tài sản thế chấp của Công ty Chương Phát. Tuy nhiên, Hữu và Vương đã không làm hết trách nhiệm nên không phát hiện được tại thời điểm giải ngân các khoản vay, các xe mà Công ty Chương Phát dùng làm tài sản thế chấp đã được sản xuất thành phẩm, đăng ký sở hữu của các cá nhân, doanh nghiệp khác từ trước thời điểm thế chấp.
Các cán bộ tín dụng Ngân hàng PVcombank đã thực hiện đúng quy định về hướng dẫn nhận và quản lý tài sản là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nên không đủ cơ sở để xử lý.
Đối với ông Hứa Quang Hoàng – Phó Giám đốc Chi nhánh Cộng Hòa, Ngân hàng VPBank là người ký vào biên bản kiểm tra tài sản bảo đảm. Hành vi của ông Hoàng là có sai phạm, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với Bùi Minh Hiền, Lê Văn Quốc và Nguyễn Thị Xuân Thảo đứng tên các công ty giúp cho Lê Văn Chương. Các cá nhân này ký nhiều hợp đồng, hóa đơn để Chương sử dụng làm hồ sơ thế chấp vay vôn, rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng, nhưng không biết rõ mục đích Chương sử dụng, nên chưa đủ căn cứ để xử lý.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.