TAND TP. Phú Quốc, Kiên Giang: Quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Mỗi năm, TAND TP. Phú Quốc phải giải quyết từ 1.600 – 1.800 vụ, việc các loại, trong đó 80% liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, quá trình giải quyết án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Án tranh chấp liên quan đến đất đai trên chiếm 80%
Thẩm phán Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND TP. Phú Quốc chia sẻ, TP. Phú Quốc đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, lượng án năm sau luôn cao hơn năm trước, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp cả về hình sự lẫn dân sự.
Đặc biệt, các loại án liên quan đến tranh chấp đất đai như: tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất chiếm khoảng 80%. Đương sự trong các vụ án tranh chấp hợp đồng hầu hết không cư trú tại địa bàn Phú Quốc mà ở khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, chuyển nhượng qua rất nhiều người nên khi vụ án được thụ lý, việc giao Thông báo thụ lý cho các đương sự gặp nhiều khó khăn, do không có người nhận và Toà án phải làm uỷ thác giao tất cả các loại văn bản tố tụng, dẫn đến án quá hạn.
Hiện nay đơn vị có 11 thẩm phán, kể cả lãnh đạo, có 9 thư ký. Do lượng án nhiều nên ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo chung, tham gia các công việc của địa phương thì Chánh án cùng với Thẩm phán giải quyết lượng án lớn của đơn vị.
Hàng năm, sau khi Hội nghị công tác năm thì đơn vị có Kế hoạch giải quyết án, nhất là án quá hạn, ngoài ra còn thực hiện kế hoạch thi đua do Toà án tỉnh phát động. Trong đó, Phó Chánh án và Thẩm phán đảm bảo giải quyết 40 vụ, việc/quý, Chánh án thì phải đạt ½ lượng án của Thẩm phán. Đại dịch Covid-19 vừa qua có những lúc phải ngưng xét xử nên một số vụ án đã quá hạn. Mặc dù, đội ngũ Thẩm phán và cán bộ công chức đã cố gắng rất nhiều, làm cả thứ 7, chủ nhật nhưng tỷ lệ giải quyết án của đơn vị chưa được cao do nhiều nguyên nhân khách quan.
Băn khoăn, trăn trở với lượng án hàng năm thụ lý cao, quá trình giải quyết các vụ án của các Thẩm phán cũng gặp một số khó khăn đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết nên Ban lãnh đạo đã phải tìm cách tháo gỡ, khắc phục.
Cụ thể, về vấn đề xem xét thẩm định tại chỗ: Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự tại Điều 101 thì khi giải quyết tranh chấp về đất đai, Toà án phải xuống thực địa để xem xét hiện trạng thửa đất tranh chấp. Việc xem xét và đo đạc thửa đất phải kết hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và UBND cấp xã, trong đó cán bộ địa chính xã phải là người đi chứng kiến việc đo đạc. Khi đo đạc xong, các thành phần tham dự phải ký tên vào biên bản và phải được lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp ký xác nhận vào biên bản thì mới đúng thủ tục tố tụng, nếu không thực hiện được việc này thì thủ tục giải quyết án của Toà án bị vi phạm.
Tuy nhiên, có những vụ án tranh chấp mà đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất chuyển nhượng thuộc đất nhà nước quản lý nên lãnh đạo UBND xã không ký xác nhận dẫn đến không thể ra bản vẽ để làm các thủ tục tiếp theo như hỏi các cơ quan chuyên môn, hoặc có những vụ án mà địa chính xã không cùng Toà án đi xuống hiện trạng xem xét được do phải giải quyết công việc cơ quan dẫn đến Toà phải hoãn buổi đo đạc.
Những khó khăn này Ban lãnh đạo Toà án đã trực tiếp trao đổi với chính quyền địa phương cấp xã về các căn cứ của Bộ luật tố tụng dân sự để chính quyền hỗ trợ và phối hợp tốt với Toà án trong việc xem xét thẩm định tại chỗ nên thời gian qua việc xem xét hiện trạng đã được thực hiện tốt.
Vấn đề xác định vị trí đất: Tại địa phương, trải qua bao nhiêu lần thực hiện Luật đất đai về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên người dân trên đảo nhiều lúc không quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận, hơn nữa các thời kỳ thực hiện Luật đất đai năm 1987, 1993 trước đây do đo đạc và cấp giấy không có toạ độ nên khi xảy ra tranh chấp việc xác định vị trí đất theo giấy chứng nhận QSDĐ của UBND TP. Phú Quốc cũng gặp nhiều khó khăn, Toà phải thực hiện công việc xác minh, do đó cũng kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Về xác định nguồn gốc đất: Đối với đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc xác định nguồn gốc thửa đất do UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp xác định và trả lời văn bản cho Toà án, nhưng cũng có lúc các văn bản trả lời không đúng thời gian hoặc chưa hết các yêu cầu mà Toà cần hỏi đây cũng là nguyên nhân chậm đưa vụ án ra xét xử, án phải tạm đình chỉ, án quá hạn cũng xuất phát từ các nguyên nhân này. Tuy nhiên, Toà án cũng rất hiểu lượng công việc của các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố vì hiện nay công việc của cơ quan nào cũng nhiều, biên chế ít, áp lực công việc rất lớn nên việc chậm trả lời văn bản của Toà án nhiều lúc không tránh khỏi.
Cần sự phối hợp của các cơ quan có liên quan
Thẩm phán Phạm Thị Kim Thoa mong muốn, đối với lượng án trên địa bàn TP. Phú Quốc hết sức phức tạp cả dân sự và hình sự, so với số lượng án thì rất cần thêm Thẩm phán và Thư ký, mỗi Thẩm phán cần có một thư ký để thực hiện tốt công việc.
Bên cạnh đó, trụ sở làm việc hiện tại đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu, TAND TP. Phú Quốc mong muốn được địa phương quan tâm cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc mới. Trong khi chờ đợi xây dựng trụ sở mới, các phòng làm việc cũng như phòng của hoà giải viên còn chật chội nên cũng mong được lãnh đạo quan tâm cơi nới tạm một số phòng trên tầng thượng để giải quyết nhu cầu cấp bách của đơn vị, tạo chỗ làm việc khang trang, lịch sự khi làm việc.
Về chuyên môn, Ban lãnh đạo đơn vị chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, những công việc liên quan đến các cơ quan phối hợp thì đơn vị mong muốn được sự trả lời sớm của các cơ quan chức năng để Thẩm phán nhanh chóng giải quyết vụ án, tránh để án quá hạn và án phải tạm đình chỉ.
Việc xác định vị trí đất đối với đất cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không ghi toạ độ, rất mong các cơ quan chức năng căn cứ vào bản đồ địa chính chính quy các hộ giáp ranh liền kề để làm cơ sở xác định vị trí, có như vậy mới có thể tháo gỡ được những vướng mắc khi giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, giúp Thẩm phán nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử và cũng là bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp đồng thời giải quyết dứt điểm được vụ án.
Về vấn đề hoà giải ở cơ sở, hiện nay các đương sự khởi kiện các hành vi hành chính vì xã không hoà giải, qua nghiên cứu các đơn khởi kiện thì được biết các đương sự khởi kiện tranh chấp đất đai nhưng xã không hoà giải, lý do đất lấn chiếm đất công, đất nhà nước quản lý. Những trường hợp này UBND xã cần có văn bản trả lời rõ với các đương sự kèm theo các chứng cứ chứng minh cho đương sự biết hoặc hoà giải để xác định rõ nguồn gốc đất để khi các đương sự có khởi kiện thì Toà án có căn cứ xác định quyền lợi của các đương sự không bị xâm phạm, các đương sự không có quyền khởi kiện để trả lại đơn, tránh việc phải thụ lý, kéo dài thời gian và cuối cùng là không chấp nhận đơn khởi kiện của đương sự.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.