Thị phi: ''Lời nói không là dao/ Mà cắt lòng đau nhói''
“Họa từ miệng mà ra”, biết bao câu chuyện “thị phi” được thêu dệt từ những lời nói không được kiểm soát, khiến cho người chịu tiếng thị phi, đôi khi cả kẻ đặt điều thị phi phải rơi vào nghịch cảnh.
Thị phi hiểu nôm na là những lời bàn tán chê bai, những câu chuyện được thêu dệt nhắm vào một ai đó. Đối tượng của thị phi gồm có kẻ đặt điều thị phi và người chịu tiếng thị phi. Thị phi có thể xảy ra khắp nơi, ở mọi giới, thuộc mọi thành phần.
Tuy nhiên nói đến thị phi người ta nghĩ ngay đến thế giới showbiz vì tất cả con người và câu chuyện của cái thế giới ấy đều thuộc về công chúng. Không thể kể hết những thị phi xảy ra trong đời sống showbiz.
Công sở cũng là mãnh đất màu mỡ của thị phi. Đấy là một xã hội thu nhỏ với đủ đặc điểm tính cách, các tình huống bi hài. Chỉ cần hôm nay bạn mặc kiểu váy lạ, chỉ cần một cử chỉ thân thiện của sếp với cô nhân viên mới, chỉ cần hai người “cô nam quả nữ” đi trễ họp cùng một lúc… thế là xảy ra thị phi.
Đặc biệt trong giới doanh nhân, thị phi tỏ ra khốc liệt và nguy hiểm hơn nhiều vì nó liên quan đến vấn đề cạnh tranh “sống còn”. Một tin đồn sai vô tình hay cố ý được lan truyền, có thể làm thiệt hại hàng trăm tỷ cho một doanh nghiệp, có thể làm cho một ngành nghề nào đó lao đao.
Thi phi cũng không loại trừ ngay chính trong gia đình với các mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị em bạn dâu, anh em cột chèo, thậm chí cả trong anh chị em ruột vì nhiều mục đích.
Trong đời sống đã vậy, trên thế giới ảo, thị phi cũng không hề thua kém. Nó có thể tạo thành một cơn bão mạng dữ dội chỉ cần một cú click chuột cho một cái like, một vài lời bình, một chia sẻ thông tin, nó có thể làm thiệt hại đến cuộc sống của cá nhân, của nhiều người, của một tổ chức…
Người chịu tiếng thị phi ngoài những tổn thất về kinh tế thì tổn thất tinh thần với họ là đặc biệt nghiêm trọng. Họ cảm thấy suy sụp, bất an, mất hết niềm tin cuộc sống… thậm chí tự tử.
Kẻ đặt điều thị phi phần lớn xuất phát từ lòng đố kị. Khi thấy một ai đó thành đạt, nổi tiếng, hay đơn giản vì họ xinh đẹp, họ được mọi người yêu thương hơn mình, kẻ đặt điều thị phi thường cảm thấy khó chịu, thế là họ thêu dệt lên thành nhiều câu chuyện thị phi nhắm vào đời tư của “đối thủ” bằng tâm địa nhỏ nhen của mình.
Cũng có khi kẻ đặt điều thị phi chỉ vì để thỏa mãn sự tò mò, làm thú tiêu khiển trên mạng xã hội. Có khi chỉ để thể hiện rằng ta đây là người hiểu biết, biết những chuyện mà mọi người không biết, họ gia công thêm mắm dậm muối thế là thành chuyện thị phi.
Tiếp sức cho kẻ đặt điều thị phi là những người hay “hóng hớt” chuyện thị phi. Đó là người thích “xía” vào chuyện người khác, tuyên truyền, rêu rao, phá bĩnh.
Thị phi thường được tung ra bằng những lời nói không hay, ngôn ngữ xấu xí thậm chí độc ác. Nó tiêu diệt một thứ ngôn ngữ trong sáng đẹp đẽ gọi là “ái ngữ”. Ông bà ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Còn theo nhà Phật, “ái ngữ” chính là thông điệp của tình thương và trí tuệ.
Lời nói đúng và đẹp biểu lộ tính cách, phẩm chất đạo đức của người nói. Lời nói mang tính lừa dối, ly gián, thêu dệt, cay nghiệt, ganh tỵ, độc ác, đơm đặt, không đúng chỗ, đúng lúc làm hạ thấp phẩm cách con người. Lời nói ác ý, mưu mô ám hại người khác có khi còn khiến chủ nhân của nó mang họa vào thân.
Trong đời sống hằng ngày khi nói, nhất là những lời nói mang tính chất thông tin, cần phải thật chính xác và khách quan. Những lời nói mang ý nghĩa giao tiếp chia sẻ trong đời sống cần nhất sự chân thành, lòng khoan dung độ lượng…
Mặc dù vậy, thị phi luôn tồn tại trong cuộc sống con người, bạn không thể né tránh. Vậy thì cách đối mặt với tình huống thị phi tốt nhất là không nên mất bình tĩnh, lăng xăng phân bua hư thật hay tìm cách đáp trả hơn thua cho đến cùng. Mọi thị phi rồi sẽ phủ bụi thời gian. Chỉ cần bạn sống tích cực, sống tốt, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn về bạn.
Một từ ngữ mang hơi hướm tâm linh mà các bạn trẻ ngày nay hay sử dụng để chỉ hành vi này, đó là “Khẩu nghiệp”. Xin mượn mấy câu thơ chợt nhìn thấy trên bức tranh thư pháp kết thúc cho bài viết: "Lời nói không là dao/Mà cắt lòng đau nhói/Lời nói không là khói/Mà mắt lại cay cay/ Lời nói không là mây/Mà đưa ta xa mãi/Sao không ngồi nghĩ lại/Nói với nhau nhẹ nhàng".
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.