Những bài học khác rút ra từ phiên tòa xét xử vụ án bé 8 tuổi bị "mẹ ghẻ" bạo hành đến tử vong
Ngoài vấn nạn bạo hành trẻ em, vụ án còn cho chúng ta nhiều bài học giá trị về hôn nhân, về tình thương, trách nhiệm, cách ứng xử của cha mẹ với con cái trong những gia đình rơi vào cảnh “rổ rá cạp lại” dẫn đến “con ông, con bà, con chúng ta”…
Ngày 25/11, Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bé V.A 8 tuổi, bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, sống chung như vợ chồng với cha ruột bé V.A - bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) - bạo hành đến tử vong.
Từ kết luận điều tra bổ sung, Viện KSND TP.HCM giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang tội “Giết người” và “Hành hạ người khác”; Nguyễn Kim Trung Thái tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”.
Sau 1 ngày xét xử, bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị tuyên phạt tử hình, Nguyễn Kim Trung Thái tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù. Kỳ vọng của người dân về một bản án thuận ý trời và hợp lòng dân đã thành hiện thực. Tuy nhiên, căn cứ vào ý kiến của số đông dư luận, vẫn còn nhiều người dân tỏ ra băn khoăn và chưa thỏa mãn với bản án 8 năm tù dành cho bị cáo Trung Thái. Mọi người vẫn “ước” có một bản án thích đáng hơn dành cho người cha này.
Được nói lời sau cùng, Trung Thái: “…mong HĐXX xem xét, thương tình để bị cáo sớm về phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con còn lại của bị cáo, bù đắp những gì bị cáo gây ra”. Khi nghe những lời này, bà ngoại bé V.A hét lên liên tục: "Thôi đi, nó không nhận mày là cha đâu".
Câu chuyện đau lòng xảy ra đem đến nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng đến đây vấn đề bao trùm không chỉ là vấn nạn bạo hành trẻ em - hơn nữa là trẻ em bị bạo hành trong chính “mái ấm” của mình - mà nó còn chỉ ra cho chúng ta thấy một vấn đề xã hội liên quan đến cuộc sống hôn nhân gia đình. Đó là tình trạng ly hôn và cuộc sống của những đứa trẻ sau ly hôn, chuyện “mấy đời bánh đúc có xương” của dân gian.
Nó cho chúng ta nhiều bài học giá trị về hôn nhân, về tình thương, trách nhiệm, cách ứng xử của cha mẹ với con cái trong những gia đình rơi vào cảnh “rổ rá cạp lại” dẫn đến “con ông, con bà, con chúng ta”…
Có một tỷ lý do khác nhau để các cặp vợ chồng dẫn đến ly hôn nhưng chỉ có một kết cuộc để lại, đó là nỗi đau. Trong đó, nặng nề và dai dẳng nhất chính là nỗi đau mà con trẻ phải gánh chịu về tinh thần là chắc chắn, nhiều trường hợp mang cả nỗi đau thể xác, thậm chí đe dọa hoặc mất luôn mạng sống như trường hợp của bé V.A
Nhưng cũng không thể vì thế mà buộc các ông bố, bà mẹ, nhất là những ông bố, bà mẹ trẻ suốt đời sống trong cô quạnh. Nhất là trong xã hội ngày nay, tuổi thọ của hôn nhân ngày mỗi ngắn, tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến. Tái hôn trở thành hiện tượng xã hội, được xem là nhu cầu chính đáng của những ông bố bà mẹ trót lâm cảnh “góa bụa”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi cha mẹ bước thêm bước nữa thì sự rủi ro phải gánh chịu nạn bạo hành, ngược đãi của con cái từ phía cha dượng/ mẹ kế là rất lớn. “Mấy đời đánh đúc có xương…” không phải là chân lý nhưng nó rơi vào hầu hết gia đình có mẹ kế điển hình là “dì ghẻ” Quỳnh Trang.
Khi cha mẹ đi thêm bước nữa, cho dù con bao lớn, cho dù con có ủng hộ hay không ủng hộ thì bước chân con cũng trở nên chông chênh trên đường đời, con cũng không tránh khỏi lo lắng, hụt hẫng và gánh nặng tâm lý bị bỏ rơi, hoang mang và mất phương hướng… Nó khiến cho nhiều đứa trẻ lồng lộn, đập phá, quăng ném, phản ứng kịch liệt, nổi loạn lên. Số ngược lại thì câm nín, chịu đựng, lặng lẽ và xa rời thế giới chung quanh dẫn đến trầm cảm, tự kỷ…Vì thế, chúng rất cần lòng bác ái, sự nhân từ và tình yêu thương từ cha dượng/mẹ kế.
Lòng dạ hận thù, ích kỷ, nhỏ nhen, nhẫn tâm, ác độc… của Quỳnh Trang là một bài học lớn. Bài học lớn hơn rút ra từ Trung Thái bởi sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, không đủ lòng thương yêu con, ở chung nhà biết rõ con mình thường xuyên bị đánh đập nhưng không bảo vệ con, thỏa hiệp cùng người tình bạo hành con gái ruột của mình cho đến chết.
Dù thật sự rất thương tâm nhưng một bài học nữa mà những người rơi vào hoàn cảnh khi hôn nhân đổ vỡ, con trẻ phải sống cùng bố dượng/mẹ kế thì bố/mẹ ruột phải hết sức chú ý, thường xuyên thăm nom, quan tâm sâu sát, “theo dõi” con mình để kịp thời hỗ trợ và nếu cần “giải thoát” cho con.
Bài học cuối cùng là cần phải dạy cho con biết cách tự vệ tối thiểu, khi cần cầu cứu hãy gọi vào số điện thoại khẩn cấp 111, là số điện thoại rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ gọi.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.