Chia tay, chuyện không chỉ của tình yêu đôi lứa
Nói đến chia tay, người ta thường nghĩ đến hình ảnh chia lìa lứa đôi: “anh đường anh, em đường em” Nhưng cuộc đời còn rất nhiều cuộc chia ly khác. Trong đó có cuộc chia tay của lãnh đạo với nhân viên.
Cũng như bất kỳ cuộc tình nào, bất kỳ vật gì, dù gắn bó nhau đến đâu cũng phải có ngày rời nhau. “Cuộc tình” của sếp với nhân viên cũng vậy. Thực tế gần đây, sau hai năm bị Covid hoành hành vẫn còn chưa dứt, cùng với những biến động của xã hội, nhiều doanh nhiệp, cơ quan đơn vị nhỏ và vừa mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không trụ được, buộc phải giải thể hoặc rơi vào tình trạng giảm nhân sự đáng kể.
Có một công ty quy mô nhỏ gọn với trên dưới 20 nhân viên, họ quý mến, gắn bó với nhau như một gia đình. Quan hệ “sếp” và nhân viên hầu như không có ranh giới rõ rệt. Những ngày chuẩn bị chia tay nhau là những ngày không khí ảm đạm bao trùm lấy cả văn phòng, thậm chí nhiều em “bánh bèo” còn lặn vô một góc phòng ngồi khóc tỉ tê.
Buổi tiệc chia tay diễn ra, chị giám đốc ngậm ngùi nói lời từ biệt, không quên cám ơn từng người sau khi thông báo đã thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho nhân viên và tặng thêm mỗi người một tháng lương “an ủi”. Chị còn nhiệt tình hướng dẫn nhân viên làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trong khi chờ tìm việc làm mới. Đó là một cuộc chia tay không thể nào hoàn hảo hơn.
Nhưng không phải cuộc chia tay nào cũng tròn trịa như thế. Gần đây, việc người lao động “bỗng dưng bị cho thôi việc” xảy ra khá phổ biến. Nó dẫn đến tình trạng sứt mẻ các mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Sau khi không thể cùng nhau “đi hết đoạn đường”, một nhân viên được sếp cho nghỉ việc. Ông chủ ấm ức vì tiếc công đào tạo cô bé từ ngày vừa chân ướt chân ráo bước vào nghề. Đi bất cứ đâu, khi nào ông cũng cau có bày tỏ sự thất vọng của mình, cho rằng cô nhân viên nọ là người vô ơn, là “ăn cháo đái bát” là “phản chủ”…
Việc tới tai, cô nhân viên kia cũng không chịu thua, cô bêu riếu ông chủ với đủ tật xấu, nói ông hay can thiệp thô bạo vào công việc của cô. Bà chủ thì suốt ngày canh me, sợ cô “léng phéng” với ông chủ, mà ông chủ đâu có phải cái “gu” của cô… Chưa bàn tới chuyện sự thật đúng sai bao nhiêu phần trăm, nhưng rõ ràng đây là một cuộc chia tay rất tệ ở cả hai phía.
Là chủ, không nên triệt đường sống của nhân viên, tạo cho họ một cơ hội sửa sai, dành cho họ một lối đi là một việc làm thiện lành để đức lại cho đời sau bởi vì không ai có thể nắm tay từ sang đến tối. Khi cho một nhân viên nghỉ việc, không bàn đến các quy định của luật lao động, nên trao đổi có tình có lý, khiến người lao động hiểu chuyện, tâm phục khẩu phục, đồng thời không nên luồn lách né tránh việc thực hiện quyền lợi chính đáng của người lao động. Đó là cái tình trước khi nói đến cái lý.
Ngược lại, khi “bỗng dưng bị cho thôi việc”, ứng xử bình tĩnh và thông minh là lời khuyên từ các chuyên gia với người lao động. Khi hỏi về quá trình làm việc, nhà tuyển dụng sẽ rất e dè với các ứng viên luôn nhắc đến những trục trặc mà họ gặp phải ở công ty cũ hay đổ lỗi cho sếp cũ - tức là kiểu “nói xấu tình cũ”.
Bất cứ một cuộc chia tay nào cho dù đó là cuộc chia tay giữa nhân viên và công ty cũ hay giữa nhân viên và sếp cũ cũng cần được diễn ra một cách nhẹ nhàng, êm thắm và lịch sự văn minh.
Người chủ không nên để nhân viên mình ấm ức ra đi. Nhân viên cũng nên chia sẻ, thông cảm với chủ mà đừng nặng lời phỉ báng.
Không ai làm việc với nhau cả đời, có thể chúng ta không còn cộng tác với nhau nhưng trên đường đời biết đâu có lúc chúng ta lại chạm mặt nhau trong một mối quan hệ khác.
Dẫu sao thì cũng nhờ có công sức, trí tuệ của nhân viên, doanh nghiệp mới phát triển. Ngược lại, nhờ sự tạo điều kiện của của doanh nghiệp mà nhân viên mới có việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống và tạo lập sự nghiệp. Hãy nghĩ đến mối tương quan đã từng như thế mà biến cuộc chia tay kia thành một kỷ niệm đẹp.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.