Xâm hại trẻ em: Bên cạnh am hiểu luật pháp, thành trì bảo vệ trẻ chính là gia đình
Trong khi dư âm phiên tòa xử Vụ án bé gái 8 tuổi bị mẹ ghẻ bạo hành chưa kịp lắng xuống thì một vụ xâm hại trẻ em tiếp tục xảy ra. Đó là việc bé gái 5 tuổi ở Buôn Ma Thuột bị bêu xấu trên mạng xã hội. Vì sao trẻ em ngày càng bị người lớn “ra tay tàn độc” như vậy?
Bắt đầu từ tối 29/11 các trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh một bé gái trên tay cầm một chiếc vòng cao su màu trắng với dòng trạng thái: “Truy tìm người thân. Bé gái này mới qua shop ăn cắp một chiếc vòng tay. Trên tay là tang vật bé lấy nhé. Ai là người nhà thì qua shop làm việc ngay với em”. Rất tệ là hình ảnh bé không hề được che mặt. Đã có rất nhiều lượt chia sẻ cùng với hàng nghìn bình luận sau đó.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 17 giờ ngày 29/11, bé N. (5 tuổi, ngụ phường Tân Tiến) đã vào một shop phụ kiện, quần áo trên đường Y Ngông (phường Tân Tiến), TP Buôn Ma Thuột. Tại đây, cháu N. có lấy đi một vòng tay cao su màu trắng có giá khoảng vài nghìn đồng.
Chị T. (29 tuổi, chủ shop) phát hiện, hỏi nhà ở đâu, bé gái không trả lời, T. đã chụp hình cháu bé và quay video đăng lên trang Fcebook cá nhân. Khoảng 40 phút sau khi bài viết đăng tải, gia đình cháu bé đã đến đón cháu về.
Nói đến xâm hại trẻ em, đa số người dân nghĩ ngay đến bạo hành thân thể và xâm hại tình dục. Nhưng thật ra, theo Luật trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) được Quốc hội ban hành vào ngày 05/4/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 xâm hại trẻ em, được quy định: là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. (Khoản 5, Điều 4, Luật trẻ em năm 2016). Như vậy, theo quy định của Luật trẻ em, hành vi trên của chị T. chủ shop phụ kiện, quần áo đã gây tổn hại về tâm lý, danh dự, nhân phẩm của bé gái.
Liền sau đó, các cơ quan hữu quan đã vào cuộc. Tối 1/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, đã có văn bản gửi UBND TP Buôn Ma Thuột đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em.
Tại cơ quan công an, Chị T. cho biết, chị rất hối hận về việc làm bộc phát của mình. Mục đích của chị chỉ là muốn bé sớm được gia đình đón về. Chị không hề có hành vi đánh đập hay dọa nạt cháu bé. Nhưng không ngờ sự việc lại bị lên án gay gắt đến như vậy...
Không chỉ bị dư luận lên án gay gắt mà chị T. còn có nguy cơ đối mặt với luật pháp. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có thể bị xử lý theo quy định của Nghị định số 130/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Một món đồ giá trị có vài nghìn bạc, đối tượng “đánh cắp” chỉ là đứa bé lên 5, mục đích đưa lên mạng xã hội là do muốn bé sớm được gia đình đón về sau khi hỏi nhà mà bé không biết để trả lời cùng với sự bất ngờ khi bị cộng đồng mạng tấn công… Tất cả chỉ ra một thực tế: Nhiều người dân còn rất mù mờ về những quy định luật pháp. Chỉ đến khi phải làm việc với cơ quan chức năng mới biết mình phạm luật. Nếu nắm chắc và am hiểu pháp luật thì với một món đồ có vài nghìn bạc cùng một đứa bé mới lên 5, T. đã không làm như vậy.
Tuy nhiên, không thể đem việc thiếu hiểu biết pháp luật để bào chữa cho việc vi phạm của mình. Vấn đề còn lại là bản thân mỗi người cần thấy rõ tầm quan trọng của việc tìm hiểu pháp luật, để không tự biến mình thành nạn nhân của những hành vi hoặc hoạt động phi pháp.
Đồng thời, người dân cũng cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp xuống tận cơ sở để người dân dễ dàng tiếp cận các kiến thức cơ bản về luật pháp trong đời sống.
Cũng tại cơ quan công an, mẹ bé N. cho biết vào sáng 29/11 chị đi làm và gửi bé cho bà ngoại trông. Tuy nhiên, sau đó cháu N. tự ý đi ra ngoài, đến cửa hàng mà người lớn không biết.
Đây là bài học cảnh giác cần được phụ huynh - nhất là các bậc cha mẹ - lưu ý. Với vấn nạn xâm hại trẻ em, gia đình chính là nơi bảo vệ các bé một cách tốt nhất. Khi trẻ còn nhỏ, người lớn không nên “rời mắt” khỏi bé. Với trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ nên xây dựng mối quan hệ đồng hành với con, luôn luôn đưa đôi tay tin cậy về phía các con để các con có điểm tựa vượt qua mọi sợ hãi và tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp nguy hiểm.
Và “người lớn” hãy đừng nhắm vào trẻ em để gây “tội ác”.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.