Tết của ngày đã cũ…
“Ngày lễ Tết là một thứ văn hóa đẹp của loài người và chỉ con người mới có” (Dịch giả Trịnh Lữ). Mong rằng, dẫu xã hội có văn minh hiện đại đến đâu, thì những giá trị vĩnh cửu của Tết cũng không bao giờ thay đổi.
Nơi Tết ghé đầu tiên bao giờ cũng là gian bếp. Mặc dù đã từ lâu, không còn đun nấu bằng bếp củi, bếp than với cà ràng, ông táo, nhưng tôi vẫn giữ thói quen ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời bằng một dĩa “thèo lèo cứt chuột”.
Cũng không phải tôi không có điều kiện bày một mâm cỗ thịnh soạn với đầy đủ các món ngon cùng nghi thức rườm rà tiễn ông đi một cách linh đình như bao người khác. Nhưng tôi muốn giữ gìn nếp cũ như là gìn giữ ký ức về một thuở hàn vi, tuy nghèo khó, nhưng thật êm đềm hạnh phúc.
Hồi đó, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, má tôi tằn tiện mua một bịch “thèo lèo cứt chuột” cúng đưa ông Táo về chầu Trời. Câu chuyện về sự tích ba ông đầu rau năm nào cũng được má tua đi tua lại, nghe riết phát ngán. Nhưng mấy miếng đậu phộng vàng giòn, mấy cục “cứt chuột” đen bóng, cùng mấy viên kẹo bông dâu đỏ rực thì luôn luôn mới mẻ, thơm tho.
Tâm trạng ngồi chờ tàn một tuần nhang với tôi hồi đó là cảm giác thèm thuồng, háo hức, là niềm vui rộn ràng khi bảy chị em tôi bu lại giành nhau dĩa thèo lèo trên tay má, cười vui chí chóe.
Bây giờ nhà không có con nít, “thèo lèo cứt chuột” không biết chia cho ai, một làn khói bếp, một ánh lửa hồng, một tiếng củi lách tách cũng không có. Nhìn cái bếp điện nằm im lìm trong gian bếp thêm quạnh hiu, lòng tôi chợt trào lên một nỗi niềm trắc ẩn.
Bắt đầu từ lúc ông Táo về chầu trời, Tết ngày một gần hơn, rõ ràng hơn.
Tết nương theo khói nhang bảng lảng đậu trên từng ngôi mộ ông bà tổ tiên được con cháu quét dọn sạch sẽ tinh tươm trong ngày chạp mả. Tết theo giọt mồ hôi của người nội trợ, theo bước chân sáo tung tăng của trẻ thơ vòng quanh những phiên chợ. Chợ Tết mỗi năm chỉ có một lần. Đó là thế giới thần tiên đầy màu sắc, âm thanh và ngập tràn cảm xúc mà mỗi đời người chắc ai cũng đã từng trải qua.
Với tôi, đó là ngôi chợ nằm ngó mặt ra dòng sông quanh năm đỏ đục phù sa. Ngôi chợ bé xíu, với những gian hàng bày trí dọc ngang tựa những đường chỉ tay trên bàn tay của một người lận đận.
Và khi phiên chợ chiều ba mươi cuối năm khép lại, cũng là lúc trong từng gian bếp các món “ăn tết” được các bà, mẹ, chị em hoàn tất với món thịt kho tàu “vạn tuế” và nhất định không thể thiếu món khổ qua hầm, cho… “khổ nó theo năm cũ qua đi”, má tôi nói vậy.
Ngoài sân, cánh đàn ông cũng lo xong phần “chơi Tết”: Cội mai già lặc lè những chiếc nụ vừa bung vỏ lụa chực nở đúng giao thừa. Xung quanh điểm tô nào mào gà, trạng nguyên rộn ràng sắc đỏ, nào vạn thọ, hoa cúc vàng tươi… Hoa lung linh chen trong những sợi nắng vàng như mật rót…
Thế là đất trời lộng lẫy vào xuân.
Giữa đêm trừ tịch, trong nghi ngút khói hương, mọi người quây quần bên nhau náo nức đợi chờ thời khắc giao thừa. Đây là thời khắc linh thiêng, trang trọng nhất trong chuỗi sự kiện ăn tết của người Việt phương Nam. Khi tiếng pháo đồng loạt giòn giã nổ liên hồi không dứt là báo hiệu thời điểm kết thúc năm cũ và năm mới chính thức bắt đầu. Pháo Tết từng là một phần tuyệt đẹp của Tết xưa – “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Nhưng rất nhiều năm rồi, tiếng pháo chỉ còn là ký ức và kỷ niệm của một thời, thậm chí là của một thế hệ. Bây giờ khi ngắm nhìn những chùm hoa pháo lộng lẫy sắc màu nhấp nháy trên bầu trời đêm giao thừa, không ai còn nhớ đến những âm thanh giòn giã, đì đùng nữa.
Và khi hỏa thiêu được xem là một hình thức văn minh thanh sạch thay cho địa táng thì khái niệm “sống có cái nhà/ thác có cái mồ” cũng sẽ mất đi trong tự điển và ngày chạp mả sẽ dần đi vào dĩ vãng.
Cũng như tôi, khi mạng lưới thương mại điện tử phát triển như vũ bão, chỉ cần một cái click chuột, người ta mang đến tận cổng nhà không thiếu một thức gì, tôi lại ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ những ngày chuẩn bị ăn Tết bận rộn bù đầu bù cổ, nhớ đứt ruột đứt gan những buổi chợ quê lăng xăng người đi sắm Tết.
Đón Tết nay, nhắc nhớ một chút về Tết xưa và đón nhận sự thay đổi như là chuyện hết sức bình thường theo sự phát triển kinh tế - xã hội của con người. Để thế hệ đi trước thấu hiểu và thông cảm, để thế hệ theo sau biết cách dung hòa, làm sao cho Tết ngày càng hiện đại, nhưng những giá trị vĩnh cửu của Tết không bao giờ thay đổi.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.