TPHCM xếp thứ 3 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số
Theo kết quả chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền Thông, TPHCM đứng thứ 3 toàn quốc về DTI.
Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được tổ chức vào ngày 8/8 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Theo kết quả công bố, TPHCM tăng 2 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về DTI.
Năm 2021, TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Kết quả DTI cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị thành phố về ứng phó dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.
Bên cạnh việc triển khai các nền tảng quan trọng như: Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP); nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung từ kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có tại các sở, ngành về kho dữ liệu dùng chung của thành phố; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng họp trực tuyến… Thành phố đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Các ứng dụng nổi bật trong năm 2021 gồm: Hệ thống bản đồ điện tử phục vụ công tác phòng, chống dịch; Cổng thông tin Covid-19 tại địa chỉ http://covid19.hochiminhcity.gov.vn với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình phòng, chống dịch; Cổng thông tin an toàn Covid (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/) để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký và sử dụng mã QR để kiểm soát nhân viên, khách đến giao dịch; Ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường Oxy “Oxy 247”…
DTI bao gồm 3 cấp: DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI của quốc gia. Trong đó DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bao gồm thông tin chung (để cung cấp các thông tin tổng quan về tỉnh nhưng không dùng để đánh giá) và chỉ số đánh giá gồm 9 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần.
Kết quả đánh giá, xếp hạng DTI dựa trên 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh); Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Trong thời gian tới, TPHCM đang tập trung đẩy mạnh và phát triển nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp và nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Mục tiêu phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ người dân và cán bộ công chức.
8 nhiệm vụ trọng tâm cải thiện DTI: 1. Sở TT&TT tăng cường công tác truyền thông chương trình truyền thông IT TODAY năm 2022 để tuyên truyền kết quả triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời, vận hành Cổng thông tin chuyển đổi số tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số; các hoạt động và kết quả chuyển đổi số của thành phố. 2. Tham mưu UBND Thành phố ban hành Bộ chỉ tiêu chuyển đổi số tại các Sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. 3. Triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất; thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ và hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an. 4. Tiếp tục vận hành hiệu quả cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn TPHCM (Cổng thông tin 1022). 5. Triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 6. Tham mưu UBND Thành phố ban hành chiến lược dữ liệu thành phố. Năm 2022, ưu tiên tổ chức triển khai dữ liệu dùng chung khối đô thị (đất đai, xây dựng, giao thông, quy hoạch), an sinh, y tế và giáo dục để phục vụ người dân, doanh nghiệp. 7. Tiếp tục mở rộng việc ứng dụng khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ và thời gian đi lại cho người dân, qua đó góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân. 8. Tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. |
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.