Quảng Nam, Đà Nẵng ghi nhận thiệt hại sau siêu bão Noru
Sau khi siêu bão Noru quét qua, tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng nhiều cây xanh bật gốc, tôn bay khắp nơi, nhà và trường học bị tốc mái.
Tại TP Đà Nẵng: Tính đến 6 giờ 45 ngày 28/9, thành phố ghi nhận có 3 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, chưa có trường hợp tử vong do bão số 4...
Lúc 5 giờ sáng 28/9, ngay khi gió bão vừa giảm mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương về ứng phó bão số 4 triệu tập cuộc họp khẩn để nghe báo cáo thiệt hại và chỉ đạo một số công việc triển khai tiếp theo.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thông tin, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận thiệt hại tính mạng người, một số nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, một đoạn tường rào của một trường học bị ngã... Các tàu cá đang neo đậu và ngư dân ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang an toàn.
Trong đêm có 1 trường hợp chuyển dạ trong bão, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hỗ trợ phương tiện để đưa đi bệnh viện.
Trên địa bàn thành phố có 173 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện cho 7.832 khách hàng, ngành điện đã khôi phục 89 trạm biến áp, cấp điện trở lại cho 2.923 khách hàng; đang khôi phục 84 trạm biến áp để sớm cấp điện trở lại cho người dân...
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn thành phố đã có mưa rất to, gió lớn, giật mạnh; cường độ gió đo được cao nhất từ cấp 9 đến 11.
Lượng mưa đo được lớn nhất tại lưu vực sông Cu Đê là 220mm (xã Hòa Bắc), Liên Chiểu 161mm, Ngũ Hành Sơn 146 mm, Sơn Trà 121mm, Cẩm Lệ 117 mm, Hòa Cường Nam 94,8mm..., gây ngập cục bộ một số tuyến đường. Hiện mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn còn ở mức thấp. Mực nước sông Vu Gia lúc 5 giờ ngày 28-9 tại Ái Nghĩa là 6,8m trên mức báo động 1 là 0,8m; mực nước sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ là 1,17m, trên báo động 1 là 0,17m.
Sau bão, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai một số biện pháp thu dọn cây xanh để bảo đảm giao thông; triển khai công tác thống kê thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường sau bão; tập trung ứng phó mưa lớn, nhất là nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất ở huyện Hòa Vang...
Tại tỉnh Quảng Nam: Bão số 4 gây mưa lớn, gió giật mạnh cấp 9, giật cấp 13 quét qua các địa phương Duy Xuyên, Hội An, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) khiến nhiều ngôi nhà, trường học bị tốc mái, cây cối gãy đổ. Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu, một số tuyến đường các huyện vùng Tây Quảng Nam cũng diễn ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, tại huyện Tây Giang nhiều khu dân cư ngập sâu từ 0,5-1m gây hư hỏng nhiều đồ dùng của người dân. Các huyện miền núi đã ghi nhận tình trạng sạt lở.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 4000 trạm biến áp bị mất điện, hơn 436.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Ghi nhận ban đầu, chưa có thiệt hại về người, tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn. Nhiều trường học, nhà dân bị tốc mái.
Tại Duy Xuyên, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những trường bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông Nguyễn Tấn Sinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: toàn bộ dãy phòng chức năng bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học, trong đó có hơn 20 bộ máy vi tính, nhiều thiết bị âm thanh.
Ghi nhận tại các trường THCS Nguyễn Thành Hãn và trường THCS Trần Cao Vân (Duy Xuyên – Quảng Nam) nhiều phòng học bị tốc mái hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Hữu Sáu – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên sẽ ưu tiên mọi biện pháp để học sinh đi học trở lại sớm nhất, trước tiên sẽ dọn dẹp cảnh quang sư phạm, bố trí cho học sinh học ghép để đảm bảo việc dạy học trên địa bàn không bị gián đoạn do thiên tai.
Tại Đồn Biên phòng 276 (Cù Lao Chàm – TP Hội An) bão Noru đã khiến nhà chỉ huy, nhà ở CB chiến sỹ bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, tăng gia, vớ kính sãnh trước nhà chỉ huy.
Trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phổ biến từ 150 - 180mm, các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 210 - 250mm, có nơi trên 300mm như: trạm Khí tượng Tam Kỳ 301mm, Núi Thành 348mm.
Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24-48 giờ tới các địa phương trong tỉnh có mưa to đến mưa rất to. Tổng lượng mưa ở các địa phương phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm. Từ 19 giờ ngày 28/9 lượng mưa giảm dần.
Hiện tại gió vẫn còn mạnh, mực nước trên các sông lúc 08h00 tại các Trạm Quản lý ĐTNĐ cụ thể: Sông Thu Bồn tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Ngọc Thành (phường Cẩm Phô, TP Hội An) là H= 1,15m trên báo động I là 0,15m; Tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Thu Bồn (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) dưới báo động I là 0,10m. Sông Vu Gia tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Vu Gia (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) dưới báo động II là 0,20m.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.