Hiến kế xây dựng quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày 06/08, tại TPHCM, Hội đồng hương và UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức “Gặp mặt thăm hỏi và xúc tiến đầu tư, hiến kế xây dựng huyện Lệ Thủy – quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Đại Tình - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: 6 tháng đầu năm, huyện Lệ Thủy đã đạt nhiều kết quả tích cực, đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt khá, một số chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ. Nông nghiệp được mùa, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 219 tỷ đồng, ước đạt 80% so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm.
Trên địa bàn huyện Lệ Thủy có nhiều dự án lớn như: điện mặt trời, điện gió… Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng Suối nước nóng Bang tại xã Kìm Thuỷ do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư có quy mô hơn 2ha với số tiền đầu tư hơn 750 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn phía Đông qua tỉnh Quảng Bình và dự án đường ven biển được thực hiện hiệu quả. Công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực.
UBND huyện Lệ Thủy kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà khoa học… cùng hiến kế, xây dựng cho lãnh đạo huyện nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh để đưa quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày càng phát triển.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, hiện nay rất có nhiều nhà đầu tư muốn có những thông tin để đến đầu tư tại quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu có các thông tin về các dự án, Trường Đại học Nông lâm sẽ giới thiệu các dự án ở Lệ Thủy để kết nối với cựu sinh viên, doanh nghiệp, các nhà đầu tư của trường cùng hợp tác.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc VCCI Chi nhánh TPHCM phát biểu, thế mạnh của Quảng Bình là phát triển du lịch và quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thế mạnh của Lệ Thủy. Huyện Lệ Thủy có hai di sản văn hóa cấp quốc gia là Hò khoan và Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, có bờ biển dài đẹp… nếu đầu tư tốt và bàn bản về du lịch thì sẽ thu hút một lượng khách rất lớn.
Quảng Bình cần mở rộng sân bay Đồng Hới, cảng biển, giao thông… chú trọng đầu tư hạ tầng. Cần phát huy tiềm năng, mà trước hết cải thiện môi trường kinh doanh, kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư thì mới thúc đẩy được phát triển kinh tế. Nếu có thông tin về các dự án nằm trên địa bàn huyện Lệ Thủy thì VCCI sẵn sàng giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải phát biểu, các nhà lãnh đạo huyện cần phải đổi mới về tư duy, cần phải mạnh dạn vì nguồn chất xám của Lệ Thủy rất lớn, cần phải thu hút nhân tài để về phục vụ quê hương. Bên cạnh đó cần phải trãi thảm đỏ đối với các nhà đầu tư bằng một trái tim quê hương Lệ Thủy và bằng những chính sách đảm bảo.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khánh, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Ứng dụng Nông nghiệp và Công nghiệp Asean hiến kế, huyện Lệ Thủy có vị trí địa lý rất tốt, có rừng, có biển, có đồng bằng… rất phù hợp phát triển về nông nghiệp. Về rừng có các loại cây trồng như bạch đàn, cây keo có thể sản xuất than chì để dẫn điện và sản xuất pin tiểu cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Lệ Thủy cũng là vùng trông lúa nước nổi tiếng của Quảng Bình nên cần trồng những giống lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh để xuất khẩu. Còn về nuôi trồng thủy sản cần phải nuôi bằng công nghệ cao… Để xây dựng phát triển kinh tế quê hương Lệ Thủy, Viện Khoa học Nghiên cứu Ứng dụng Nông nghiệp và Công nghiệp Asean sẵn sàng phối hợp với chính quyền mời các chuyên gia đến Lệ Thủy để khảo sát để đưa công nghệ tiên tiến của thế giới cùng người dân phát triển ngành nông nghiệp của huyện.
Phát biểu kết thúc buổi gặp mặt, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, rất cảm ơn sự đóng góp của các đại biểu và tiếp thu các ý kiến đã đóng góp đã đem đến nhiều kết quả cho chính quyền cũng như người dân trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.