Sự kiện nổi bật
giá xăng
bóng đá
năng lượng tái tạo
lịch nghỉ Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán
AFF cup
Tìm kiếm

Đừng để tâm hồn non nớt của trẻ con chìm đắm trong những giai điệu bi ai

Không biết tự bao giờ người ta đã nhẫn tâm bức tử tuổi thơ của con trẻ bằng những bài hát tình yêu dang dở, đẫm lệ khổ đau vốn dĩ chỉ để dành cho người lớn.

Là một người rời quê lên phố mưu sinh, mỗi lần cảm thấy mệt mỏi, quá sức tôi thường trở về nương tựa quê nhà, tìm một chút thơ thới an nhiên. Nhưng đó là chuyện của một thời đã xa rồi. Bây giờ làng quê không hề yên ả.

Bất kể sáng trưa chiều tối, bất kể mưa nắng nóng lạnh, bất kể tiệc cưới, liên hoan sinh nhật, giỗ chạp thậm chí cả tang lễ, những giai điệu Bolero đầy tâm trạng cùng dàn âm thanh mở hết cỡ len lỏi qua từng góc vườn, nương theo gió băng qua cả một cánh đồng, trôi lênh đênh trên mặt nước sông đầy, dội vào không gian thứ thanh âm phố chợ, hàng quán, át cả tiếng con bìm bịp kêu nước lớn, xua đuổi cả tiếng con chim vịt kêu chiều khắc khoải gọi bạn tình xa.

   Bé M.N.H (4 tuổi) hát Chuyện tình không dĩ vãng trong game show Biệt tài tí hon. Ảnh chụp màn hình

Và… dội vào lòng tôi một nỗi niềm trắc ẩn khi trực tiếp được nghe tiếng ca của một bé gái với những nốt cao thánh thót và những quãng rộng miên man giai điệu bài hát Chuyện tình không dĩ vãng  trong một “tiệc” giỗ.

Trộn lẫn trong bề bộn âm thanh tiếng nói cười, tiếng la hét gọi mời dzô dzô phía dưới các bàn nhậu, con bé hồn nhiên “thổn thức” với những ca từ “Niềm tin đã lạnh theo tháng năm giá băng… Yêu thì yêu nhiều nhưng chưa biết yêu được chi… Hàng mi khép mờ giăng mây tím nhớ ai. Nhớ ai trong đêm dài buông tóc rối quên cài… Và khi thấy con bé nhăn nhó khổ sở tuyệt vọng: Anh hỡi anh/ Lời hứa xưa đã phai  thì tôi buộc đứng dậy ra về vì không thể kiềm nén cảm xúc dậy lên từ sự bất bình.

Đuổi theo phía sau tôi là những tràng pháo tay hoan hô vang dội. Tôi ngoái lại nhìn thấy con đang tươi cười cầm những bông hoa hồng bằng nhựa, gắn bên trong cánh hoa là những tờ tiền. Tôi thương con quá.

Không biết tự bao giờ người ta đã nhẫn tâm bức tử tuổi thơ của con trẻ bằng những bài hát tình yêu dang dở, đẫm lệ khổ đau vốn dĩ chỉ để dành cho người lớn.

Trẻ em hát nhạc người lớn bây giờ không còn mang tính tự phát trong phạm vi gia đình hay một hội nhóm nữa. “Tệ nạn” trẻ em hát nhạc người lớn bây giờ được tổ chức đại trà thậm chí có hệ thống và được cổ súy rầm rộ.

Hiện tượng bé Xuân Mai và “bài hát quốc dân” Trường chúng cháu là Trường Mầm Non 

Rõ nhất qua hàng chục chương trình truyền hình thực tế có liên quan đến âm nhạc phát sóng dành cho thiếu nhi trên các đài truyền hình Quốc gia và địa phương. Không ít lần trong những chương trình như thế, tôi đã chứng kiến các em nhỏ thậm chí mới 4, 5 tuổi đầu, gồng mình hát Phận làm con gái, chưa một lần yêu ai” (Duyên phận) hay “Lá rơi đắp mộ cuộc tình/ Lá bay chất nặng tuổi đời nhớ người ta rót ly này (Đắp mộ cuộc tình). Sau các bài hát là những lời khen ngợi của ban giám khảo, là những tràng pháo tay của khán giả, những nụ cười khoái trá của phụ huynh mang tính động viên, cỗ vũ và “hun đúc tinh thần” con trẻ.

Tôi đồ rằng, nhất định phải có sự liên quan giữa “vấn nạn” này với hàng loạt những “sự cố” mà trẻ con hiện nay gặp phải. Đó là tình trạng trẻ mới 12, 13 tuổi đã biết yêu đương, thậm chí quan hệ tình dục, tình trạng trẻ gái vừa “nứt mắt” đã chuyên tâm làm đẹp sắc vóc hơn là bồi dưỡng cái đẹp tâm hồn. Tình trạng đánh ghen của học sinh cấp hai xảy ra ngay tại sân trường…

Khi cơ thể trẻ bị dậy thì sớm hơn lứa tuổi, nguyên nhân được khuyến cáo là do chế độ dinh dưỡng. Nhưng trẻ bị “dậy thì tâm hồn” quá sớm thì chắc chắn là có phần tham gia của những giai điệu chuyển tải các câu chuyện tình với đầy đủ sắc thái ai oán, chán chường, thù hận đầu độc lên tâm hồn vốn còn non nớt của trẻ.

Tâm hồn trẻ con như tờ giấy trắng, chúng ta viết lên đó điều gì để nó trở thành một tác phẩm tuyệt mỹ hay một tờ giấy lộn, đó là trách nhiệm của cha mẹ, của nhà trường và của toàn xã hội.

Đã có một thời con cái chúng ta lớn lên bằng các giai điệu của Con cò bé bé, Đi học, bông hoa mừng cô… Lớn lên một chút thì có những  Em bay trong đêm pháo hoa, Em đi trong biển vàng, Em là bông hồng nhỏ, Bụi phấn… Sang tuổi ẩm ương lại có Hổng dám đâu, Cô bé dỗi hờn…

Những giai điệu vui tươi cùng những ca từ hồn nhiên trong sáng phù hợp với lứa tuổi đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ qua nhiều thế hệ, trở thành ký ức không thể phai mờ. Nó đã tạo ra một hiện tượng bé Xuân Mai, một bài hát Trường chúng cháu là Trường Mầm Non trở thành “bài hát quốc dân” ai cũng có thể “tùy tiện” thay vào đó tên trường của mình (mặc dù có khi hết sức khiên cưỡng). Tất cả giờ đã trở thành quá vãng.

Âm nhạc cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Ảnh: IT

Có nhiều ý kiến cho rằng, do ca khúc thiếu nhi hiện nay khá khan hiếm, một số đã “lỗi thời”. Đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc thiếu nhi bây giờ khó thu hồi vốn nên người ta ngại… Suy nghĩ như trên không hẳn là không có cái lý của nó.

Chuyện trẻ em hát nhạc người lớn là câu chuyện rất dài. Muốn “điều chỉnh” nó không hề đơn giản. Chỉ là người lớn chúng ta cùng luôn nhớ nhắc nhau: Hãy vì tương lai con em chúng ta, đừng để tâm hồn non nớt của chúng chìm đắm trong những nỗi buồn đau tan vỡ và thấm đẩm những giai điệu bi ai

Lương Gia Cát Tường

Nhận xét

Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.

0 nhận xét

    Bài viết cùng chuyên mục

    Đường sách TPHCM thu 1,5 tỷ đồng dịp Tết

    Từ ngày 18 - 26/1 (27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) đường sách TPHCM đón gần 50.000 lượt khách đến tham quan và mua sách đầu năm. Tổng doanh thu ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.

    Những chai nước nước nghĩa tình

    Ngày 26/1, Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức phát nước suối, khăn lạnh, xăng miễn phí cho người dân lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A trở về các thành phố lớn làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên ...

    TPHCM: Doanh thu đường sách Tết Quý Mão đạt gần 6 tỷ đồng

    Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, từ ngày 19 – 25/1/2023 (28 tháng chạp đến hết ngày mùng 4 tết), Lễ hội đường sách Tết Quý Mão 2023 tại đường Lê Lợi thu hút trên 585.000 lượt người đến tham ...

    Đường hoa Nguyễn Huệ 2023 thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách tham quan

    Sau 8 ngày mở cửa phục vụ người dân và du khách tham quan thưởng lãm, đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 Tết Quý Mão 2023 với chủ đề “Xuân an vui, xuân thịnh vượng” thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách tham quan. ...

    Ngư dân xứ Thanh vươn khơi đón lộc đầu năm

    Những ngày nghỉ đón Tết Nguyên đán Quý Mão khiến nhiều ngư dân buồn chân, buồn tay. Dù đi chúc Tết nhưng ánh mắt họ vẫn hướng về phía biển cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang. Ngay khi trời ...

    Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2023)

    Sáng 26/1 (mùng 5 Tết Quý Mão 2023), tại Công viên văn hóa Gò Đống Đa đã diễn ra Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2023), tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang ...

    TP Thủ Đức tổng kiểm soát, xử phạt hơn 100 trường hợp về giao thông dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

    Từ ngày 21-25/1, CSGT TP Thủ Đức, TPHCM tổng kiểm soát 122 trường hợp, lập biên bản 111 trường hợp, phạt tại chỗ 11 trường hợp, thành tiền 1.650.000 đồng.

    CSGT TPHCM kịp thời ngăn chặn cô gái có ý định nhảy cầu tự tử sáng mùng 4 tết

    Khi Tổ tuần tra kiểm soát của Đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM) đi ngang qua Cầu Bình Phước 1 thì bất ngờ phát hiện một cô gái đang có ý định nhảy cầu tự tử. Ngay ...

    Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia ngày Tết

    Uống rượu khai xuân từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, phong tục tốt đẹp này đang dần bị biến tướng và dẫn đến nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã bị ngộ độc rượu, thậm ...

    Tết của ngày đã cũ…

    “Ngày lễ Tết là một thứ văn hóa đẹp của loài người và chỉ con người mới có” (Dịch giả Trịnh Lữ). Mong rằng, dẫu xã hội có văn minh hiện đại đến đâu, thì những giá trị vĩnh cửu của Tết cũng không bao ...