Để Nghị định 45 đi vào cuộc sống
Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng nặng mức phạt tiền đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để Nghị định 45 đi vào cuộc sống thì bên cạnh chế tài rất cần sự chung tay, góp sức của các bên.
Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
So với Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155 thì Nghị định 45 tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định (khoản 1 Điều 26 Nghị định 45); Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5 - 3 triệu đồng (khoản 1 Điều 40 Nghị định 45/2022/NĐ-CP);
Hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng (điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP); Hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng (khoản 1 Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP)…
Tuy nhiên, để Nghị định 45 đi vào cuộc sống, bên cạnh chế tài xử phạt thì cần rất nhiều yếu tố khác.
Trước đây, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Chỉ thị được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị đến người dân trên toàn địa bàn thành phố.
Bên cạnh những mặt đạt được thì việc thực hiện Chỉ thị 19 vẫn còn một số khó khăn, trong đó phải nói đến công tác phân loại rác tại nguồn. Đây vẫn là bài toán nan giải với nhiều địa phương tại TPHCM.
Quy trình phân loại rác tại nguồn được thực hiện bởi 2 chủ thể chính, người dân và đơn vị thu gom, dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, có những hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại rác nhưng có người vẫn thờ ơ, không quan tâm. Chưa kể, nhiều đơn vị thu gom không đủ dụng cụ, phương tiện dẫn đến quá trình thu gom, xử lý không mang lại hiệu quả. Như vậy để đồng nhất thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người phân loại và đơn vị thu gom, trong đó tất cả người dân phải có ý thức phân loại rác theo quy định, về phía đơn vị thu gom phải trang bị đầy đủ thiết bị để thực hiện các bước còn lại theo đúng quy trình.
Từ Chỉ thị 19 có thể rút ra nhiều kinh nghiệm để triển khai Nghị định 45. Chủ trương, chính sách hoàn toàn đúng, phù hợp nhưng để Nghị định 45 mang lại hiệu quả trên thực tế thì phải có lộ trình cụ thể, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất, tránh xảy ra thực trạng ‘mỗi nơi mỗi kiểu’, ‘người làm người không’.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.