Cần thêm bãi gửi xe đường sách TP.HCM
Dù đã vận động không hút thuốc lá nhưng đường sách TP.HCM vẫn còn những trường hợp vô tư hút thuốc tại không gian công cộng. Tuy nhiên, khi người dân gặp bảo vệ để phản ánh thì người này cũng đang hút thuốc.
Vừa qua, Đường sách TP.HCM đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2018 và đề ra phương hướng năm 2019 tại trụ sở NXB Trẻ (quận 3, TP.HCM).
Theo đó, Đường sách TP.HCM trong năm 2018 đã đạt doanh thu 39,84 tỷ đồng (năm 2016 là 26,4 tỷ đồng, năm 2017 là 39,51 tỷ đồng). Bà Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Đường sách TP.HCM cho biết, doanh thu của 21 đơn vị xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm tại Đường sách TP đã có tăng trưởng rõ nét.
Số liệu cho thấy, có 7 đơn vị đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, 4 đơn vị đạt trên 3 tỷ đồng. Trong đó, NXB Trẻ và công ty Nhã Nam có doanh thu cao nhất, lần lượt là 6,4 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng. Năm 2018 cũng ghi nhận 777.067 bản sách được bán ra và khoảng 2,7 triệu lượt người đến Đường sách TP.
“Theo cảm nhận của cá nhân, tôi ghi nhận 2 đối tượng đến Đường sách nhiều nhất là thiếu nhi và người nước ngoài, thậm chí có nhiều đoàn khách du lịch”, bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Không gian Đường sách là điếm nhấn cho TP.HCM.
Tuy đạt được thành tích cao nhưng Đường sách TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế đáng quan tâm. Trả lời câu hỏi của PV về vấn đề bãi giữ xe và nhà vệ sinh, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM nhận định đây là 2 vấn đề chung của không gian khu vực trung tâm thành phố chứ không riêng tại Đường sách.
“Kể từ khi bãi giữ xe đầu đường Lê Duẫn ngưng hoạt động do UBND quận 1 sửa chữa, bãi giữ xe còn lại ở đầu đường Hai Bà Trưng phải hoạt động hết công suất, thậm chí nối dài đến tận đường Nguyễn Du để đáp ứng nhu cầu của khách đến Đường sách. Vừa qua, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo UBND quận 1 có bố trí, sắp xếp thêm bãi giữ xe cho đường sách nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển”, ông Lê Hoàng nói.
Còn về nhà vệ sinh, bà Quách Thu Nguyệt cho biết, hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cũng đang nghiên cứu để tìm giải pháp cho không gian Đường sách TP.
Trao đổi tại buổi gặp mặt, đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM kể: “Có một người bạn nói với tôi rằng, dù Đường sách TP đã có bảng chữ nhằm vận động không hút thuốc lá nhưng vẫn còn vài người thiếu ý thức. Tuy nhiên, khi người bạn của tôi đến gặp nhân viên bảo vệ để phản ánh thì anh ấy cũng đang hút thuốc. Thiết nghĩ, nếu Đường sách TP phấn đấu trở thành không gian hấp dẫn dành cho thiếu nhi, giới trẻ thì vấn đề hút thuốc lá cần được cải thiện hơn nữa”.
Đáp lại ý kiến này, ban Quản lý Đường sách TP cho rằng việc vận động không hút thuốc vẫn đang được triển khai tích cực, những trường hợp chưa tốt cần được cải thiện hơn. Dù vậy, ban Quản lý Đường sách TP cũng thừa nhận “khó để ra lệnh cấm vì đây là không gian mở”.
Ông Đặng Hữu Vinh, Phó Trưởng đại diện Văn phòng tại TP.HCM, bộ Thông tin – Truyền thông bày tỏ ngưỡng mộ và có lời khen đối với Đường sách TP.HCM. “Sau 3 năm, Đường sách đã khẳng định được vai trò tích cực cho văn hóa đọc, không gian văn hóa, nâng cao dân trí của người dân TP.HCM”.
Đối với đề xuất nhân rộng mô hình Đường sách TP.HCM đến các địa phương khác, ông Vinh cho rằng, cơ quan Nhà nước luôn mong muốn người dân được hưởng thụ những giá trị đẹp của mô hình Đường sách. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc phần lớn vào năng lực, sự chủ động của từng tỉnh, thành.
“Vận động thì cũng được nhưng phải hoạt động sao cho có hiệu quả. Phải có người quản lý có tài, có kinh nghiệm mới có thể thành công. Chứ nếu xây dựng rồi không có khách đến sẽ rất lãng phí”, ông Vinh nhận xét.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.