Tiếp nhận áo dài Then và bộ sách “Bìa báo xuân Nam Kỳ”
Sáng 21/9, Bảo tàng Áo dài (TPHCM) đã tiếp nhận áo dài hát Then, đàn Tính đến từ CLB dân ca Tây Bắc Hoa Ban và bộ sách “Bìa báo xuân Nam Kỳ” do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng.
Tại chương trình, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài đã tiếp nhận áo dài hát Then, đàn Tính do CLB dân ca Tây Bắc Hoa Ban trao tặng.
Then - một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... thông qua điệu hát và chơi đàn Tính. Lời bài hát kể lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu ban cho những điều may mắn và cuộc sống tốt lành. Khi thầy Then cất tiếng hát là hành trình đó sẽ bắt đầu.
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở 11 tỉnh miền núi phía Bắc: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu...
Năm 2019, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cạnh đó, Bảo tàng Áo dài tiếp nhận bộ sách “Bìa báo xuân Nam Kỳ” do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng từng là Giáo sư Khoa Thái Việt Đại học Ngoại ngữ Osaka – Nhật Bản (1989-1992). Ông cũng là người sáng lập, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hồng Bàng 1997 - sau đổi thành Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng từ năm 2010 đến năm 2015. Ông đã góp phần phát hiện và nghiên cứu để công bố ra thế giới các bức ký họa khắc gỗ về xã hội Việt Nam đã bị quên lãng cả 100 năm của tác giả Henri Joseph Oger.
Bộ sách của ông trao tặng bảo tàng gồm nhiều hình ảnh phong phú đa dạng từ tranh dân gian có cách đây hơn trăm năm do bàn tay nghệ nhân của tranh Tây Hồ, Hàng Trống thực hiện bằng mộc bản (khắc gỗ) khoảng 500 bức để mô tả Tết Việt Nam cho đến những bộ sưu tập bìa báo xuân từ năm 1866 - 1975.
Thay mặt Bảo tàng Áo dài, bà Huỳnh Ngọc Vân cảm ơn CLB dân ca Tây Bắc Hoa Ban đã có nhã ý tặng Bảo tàng Áo dài trang phục biểu diễn hát Then và đem đến những tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
“Công chúng ở TPHCM sẽ có cơ hội tiếp cận với một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến từ các dân tộc anh em (Tày, Nùng, Thái). Chúng ta có thể tự hào về những nét tương đồng trong văn hóa của các dân tộc Việt Nam; đồng thời tự hào vì sự đa dạng, phong phú, đặc sắc của di sản văn hóa từng vùng miền, từng dân tộc…”, bà Vân nói.
Cạnh đó, bà cũng cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng khi thầy trao tặng cho Hội Di sản văn hóa TPHCM và Bảo tàng Áo Dài bộ sách quý “Bìa báo xuân Nam kỳ”.
“Chúng tôi sẽ gìn giữ và phát huy giá trị của ấn phẩm này để công chúng có thể tiếp cận, thưởng thức và yêu quý hơn những nét văn hóa xa xưa còn lưu giữ được qua bộ sách”, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Huỳnh Ngọc Vân bày tỏ.
Bảo tàng Áo dài đi vào hoạt động từ năm 2014. Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trưng bày khoảng 1.500 hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến lịch sử áo dài và áo dài di sản; những nhân vật đã cống hiến cuộc đời và sự nghiệp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Bảo tàng Áo dài có nhiều không gian như: Phòng trưng bày chuyên đề “Áo dài và nội y”, phòng giáo dục sáng tạo cho thiếu nhi… Bảo tàng còn dành những không gian trang trọng để thực hiện các cuộc triển lãm chuyên đề: “Áo dài nghệ sĩ - Tâm và Tài”; “Áo dài quốc kỳ ASEAN”; “Câu chuyện một cuộc đời”, “Áo dài và các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: hát xoan, quan họ, ví giặm, đờn ca tài tử”…
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.