TAND huyện Sơn Tịnh tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân
Ngày 12/1, TAND huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội thẩm nhân nhân và Hòa giải, đối thoại theo luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Tham dự hội nghị còn có Phó Chánh TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Nga, các Hội thẩm nhân dân, hòa giải viên huyện Sơn Tịnh cùng toàn thể cán bộ, công chức TAND huyện Sơn Tịnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, đoàn Hội thẩm nhân dân huyện Sơn Tịnh có 20 người, trong năm qua, Hội thẩm nhân dân đã tham gia đầy đủ các buổi tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do TAND hai cấp tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, nhờ đó mỗi thành viên Hội thẩm đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng thiết thực , góp phần quan trọng trong công tác tham gia xét xử có hiệu quả. Bên cạnh đó, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã luôn quan tâm cấp phát các văn bản pháp luật kịp thời cùng với việc TAND huyện Sơn Tịnh luôn tạo điều kiện tốt cho từng thành viên nghiên cứu hồ sơ các loại vụ án để vận dụng kiến thức tập huấn vào công tác xét xử nên chất lượng xét hỏi tại phiên tòa và các ý kiến đưa ra khi HĐXX thảo luận nghị án để giải quyết vụ án ngày càng tốt hơn, nhờ đó chất lượng án ngày càng nâng cao.
.jpg)
Năm 2022 Hội thẩm nhân dân của TAND huyện Sơn Tịnh đã tham gia xét xử cùng với Thẩm phán tổng cộng 56 vụ, tất cả các Hội thẩm khi nhận được giấy mời tham gia phiên tòa, đã sắp xếp thời gian và công việc để tham gia nghiên cứu hồ sơ và xét xử tại Tòa; đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra án oan sai, xét xử người vô tội, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nhà nước được tôn trọng. Hội thẩm khi tham gia xét xử đã tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, có ý thức và trách nhiệm cao trong khi tham gia phiên tòa cũng như khi nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Mặt khác, thành viên đoàn Hội thẩm đa phần là các vị tham gia nhiều trong hoạt động xã hội, có vốn sống thực tế, phong phú, hiểu được nhiều tâm tư, nguyện vọng và dư luận từ nhân dân, hiểu được phong tục tập quán từng vùng. Do đó, trong quá trình tham gia xét xử có quan điểm chính kiến phù hợp với thực tế khách quan, sát cuộc sống, xã hội, nên khi tham gia ý kiến cùng hội đồng xét xử đã phân tích thấu tình đạt lý và phù hợp với pháp luật.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022, năm 2023 đoàn Hội thẩm tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia định và kinh doanh thương mại; khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Quán triệt Chương trình công tác năm 2023 của TAND huyện; đồng thời, tích cực tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử do TAND các cấp tổ chức.
Cùng với đó, mỗi thành viên Hội thẩm nhân dân huyện chủ động, tích cực nghiên cứu tài liệu, hồ sơ vụ việc, sắp xếp thời gian, công việc để tham gia xét xử đạt hiệu quả, chất lượng khi được Chánh án TAND huyện giao nhiệm vụ. Mỗi thành viên Hội thẩm nhân dân chủ động nắm bắt, chia sẻ thông tin, kịp thời phản ánh cho Tòa án đối với các nội dung liên quan; cùng nhau bàn bạc, thảo luận với Thẩm phán và Thư ký Tòa án để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình xét xử.
Đối với công tác Hòa giải, đối thoại tại TAND huyện tính từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2022 đạt được kết quả khá khả quan. Cụ thể, đã giải quyết tổng cộng 146 vụ việc trong tổng số 146 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đạt tỷ lệ 100%. Trong 146 vụ việc: Có 69 vụ hòa giải thành ra quyết định công nhận sự thỏa thuận (11 dân sự, 58 hôn nhân gia đình); có 4 vụ dân sự hòa giải thành nhưng không yêu cầu ra quyết định công nhận sự thỏa thuận; 9 vụ hòa giải người khởi kiện rút đơn khởi kiện; 13 vụ hôn nhân gia đình đoàn tụ thành; có 51 vụ hòa giải không thành. Các vụ việc hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án đa phần là về yêu cầu ly hôn, nuôi con chung, cấp dưỡng cho con và chia tài sản khi ly hôn; số lượng các vụ việc hòa giải, đối thoại không thành đa số là tranh chấp đất đai, tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất.
Cũng tại hội nghị đại diện tổ Hòa giải, đối thoại kiến nghị, để triển khai, thực hiện tốt hơn nữa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND hai cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại và đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội.
Đặc biệt, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, chú trọng tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại cho người khởi kiện, người yêu cầu. Đây là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất, khi các bên hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại thì họ sẽ lựa chọn; điều này sẽ góp phần lớn vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Mỹ Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà đoàn Hội thẩm và tổ Hòa giải, đối thoại đã đạt được trong năm qua; đồng thời mong muốn trong năm công tác 2023, đoàn Hội thẩm và tổ Hòa giải, đối thoại tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn đọng để đạt được những kết quả tốt hơn nữa, góp phần vào tỷ lệ xét xử cũng như nâng cao chất lượng các loại án.
Chánh án Nguyễn Thị Mỹ Dung đề nghị các Hội thẩm khi tham gia xét xử cần tích cực nghiên cứu hồ sơ, phối hợp thường xuyên với Thẩm phán để ban hành bản án đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất tỷ lệ bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân trong việc tham gia các phiên tòa để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, góp phần cùng TAND huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2023 và những năm tiếp theo, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh khẳng định, trong thời gian sắp đến, Tòa án sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, tham luận để các Hội thẩm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và xét xử và đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Cũng theo Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Mỹ Dung, trong năm 2022 số lượng các loại vụ việc mà TAND huyện phải thụ lý, giải quyết tăng cao, cụ thể đơn vị đã thụ lý 303 vụ, việc,đã giải quyết 253 vụ, việc; còn lại: 50 vụ; đạt tỷ lệ 83,5%, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp....Tuy nhiên, TAND huyện Sơn Tịnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để giải quyết đúng hạn các vụ án thuộc thẩm quyền, khắc phục triệt để không có vụ án quá hạn luật định; tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự đạt 75,4% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; số lượng các vụ việc được hòa giải thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tăng mạnh góp phần làm giảm số lượng các vụ việc Tòa án phải thụ lý giải quyết theo pháp luật về tố tụng. Các nhiệm vụ trọng tâm khác được triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch mọi hoạt động của Tòa án. Những kết quả đạt được đó của Tòa án đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của huyện nhà.
Hội nghị, cũng đã tiến hành trao tặng Giấy khen của Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi cho tập thể và các cá nhân Hội thẩm có thành tích suất xắc trong năm công tác 2022.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.