“Sống thử” với người khác có vi phạm pháp luật?
Hỏi: Tôi đang là đảng viên, có việc làm ổn định, có người yêu và đang có ý định sẽ sống thử với nhau. Vậy, cho tôi hỏi, người là đảng viên mà sống thử với người khác có vi phạm kỷ luật đảng không? Có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
I/ “Sống thử” và hệ quả pháp lý
“Sống thử” là một cụm từ chỉ những cặp đôi có quan hệ tình cảm, về chung sống với nhau như vợ chồng. Cùng với sự phát triển của xã hội, sống thử ngày càng trở nên phổ biến và đến nay, lối sống này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Dưới góc độ pháp luật, “sống thử” có thể phát sinh một số hậu quả không mong muốn như:
- Quan hệ vợ chồng chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ nếu hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn theo quy định tại cơ quan có thẩm quyền sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn. Do đó, nếu sống thử, nam, nữ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
- Nam, nữ sống thử không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng nên nếu có người thứ ba xuất hiện thì người còn lại không được pháp luật bảo vệ, đồng thời người ngoại tình cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào.
- Nếu hai người có con thì khi đăng ký khai sinh mà cha, mẹ không đăng ký kết hôn, con sinh ra trong thời kỳ sống thử sẽ phải khai sinh theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ. Để con có đủ tên cha, mẹ trong giấy khai sinh thì phải thực hiện thủ tục khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con. Thủ tục này phức tạp, rắc rối, tốn kém thời gian và tiền bạc hơn so với khi cha mẹ đăng ký kết hôn.
- Khó phân chia tài sản trong thời kỳ sống thử, bởi theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình, khi nam, nữ sống chung thì tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng được giải quyết theo thỏa thuận của hai bên, mà không tuân theo nguyên tắc chia tài sản cho vợ, chồng. Điều này đồng nghĩa, mặc dù chung sống như vợ, chồng nhưng quyền lợi các bên không được pháp luật Hôn nhân và gia đình công nhận và đảm bảo.
II/ Vi phạm kỷ luật Đảng
Tại điểm e khoản 1 Điều 51 Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban chấp hành Trung ương về kỷ luật Tổ chức đảng, Đảng viên vi phạm như sau:
“1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
…
e) Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng”.
Trường hợp đã kỷ luật theo quy định trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
---
- Khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khi đăng ký kết hôn hoặc cho, nhận nuôi con nuôi; có con với người khác khi đang có vợ hoặc chồng.
Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
---
- Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội.
Như vậy, trong trường hợp đảng viên không đăng ký kết hôn nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng (“sống thử”) thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật, cao nhất là hình thức khai trừ. Nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách, tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
III/ “Sống thử” có thể trở thành hành vi vi phạm pháp luật
Mặc dù hiện nay, pháp luật hiện hành không cấm việc hai người nam, nữ độc thân “sống thử” nhưng cũng không khuyến khích hành vi này. Bởi nếu một trong hai hoặc cả hai bên đang có vợ, có chồng thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2022/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.
Như vậy, theo quy định trên, người nam/nữ sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. Nếu người nam/nữ sống chung mà biết rõ là người đó đã có vợ/chồng thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính như trên.
Trong trường hợp hành vi sống chung như vợ chồng với người khác làm cho quan hệ hôn nhân hiện tại dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi này, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.
Như vậy, việc đảng viên không đăng ký kết hôn nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng (“sống thử”) có thể dẫn đến các hệ quả pháp lý không mong muốn như trên và hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều cách nhìn tiêu cực đối với hành vi “sống thử” theo thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Do vậy, trước khi thực hiện việc “sống thử”, các cá nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng, nắm rõ các quy định để tránh các vi phạm đáng tiếc.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.