TP HCM: Cần tiêm nhắc mũi Covid-19 trước nguy cơ biến chủng BA.5
Biến chủng mới của Covid-19 có ký hiệu BA.5 được đánh giá là một trong những biến chủng nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, khiến tỷ lệ nhập viện nhiều hơn.
Theo đó, Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của BA.5 - một biến chủng phụ của vi-rút Omicron gây bệnh Covid-19. Hồi tháng 3/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát, còn Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”.

Tại Việt Nam, gần đây, số ca mắc Covid-19 vẫn đang được kiểm soát, số ca tử vong gần như bằng không. Biến chủng chủ yếu được ghi nhận trong nước là BA.2 với biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, biến thể BA.5 sẽ có nguy cơ lấn lướt biến chủng cũ, tạo áp lực lên ngành y tế. Cục Y tế dự phòng sẽ chủ động giám sát để có đề xuất về các biện pháp chống dịch phù hợp.
Theo các chuyên gia y tế, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng mũi cơ bản cao nhất trên thế giới và hiện đang tiêm mũi thứ ba, thứ tư cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, có một số người chủ quan, thờ ơ với việc tiêm nhắc khiến tiến độ tiêm chủng bị chậm, nhiều khả năng không đạt kế hoạch đề ra. Thậm chí, ở nhiều địa phương, nhiều người không đi tiêm dù đã nhận được giấy mời.
Các nghiên cứu trên thế giới - trong đó có Việt Nam - cũng chỉ ra rằng, kháng thể kháng SARS-CoV-2 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba, đặc biệt là kháng thể chống lại biến chủng Omicron. Do đó, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ tư đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và người làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.