Cháy quán karaoke, trách nhiệm thuộc về ai?
Cháy quán karaoke không còn là chuyện hy hữu nữa. Đã có rất nhiều hồi chuông báo động được bấm nút, tiếng chuông đổ ngày càng dồn dập, dữ dội. Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong khi người dân cả nước vẫn chưa nguôi ngoai được nỗi bàng hoàng, thương tiếc trước sự việc 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại vụ cháy quán karaoke 5 tầng trên đường Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì khoảng 21h đêm qua (ngày 6/9), quán karaoke An Phương tọa lạc trong tòa nhà cao 4 tầng trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, TP Thuận An (Bình Dương) đã bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều người thương vong.
Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP Thuận An đã nỗ lực dập lửa và tìm kiếm các nạn nhân nghi còn mắc kẹt đưa ra ngoài. Gần 22h, đám cháy được khống chế. Cho đến 11g sáng nay (ngày 7/9), hiện trường vẫn đang phong tỏa để các lực lượng chức năng tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Mỗi lần xảy ra vụ cháy quán karaoke, người dân lại nhớ đến vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) khiến 13 người chết và 4 ngôi nhà bị cháy vào năm 2016. Nó như là một nỗi ám ảnh khó quên.
Sáu năm trôi qua, hồi 13h11 ngày 1/8, nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy đã lặp lại bằng vụ cháy quán karaoke ISIS ở số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Lần này là sự mất mát không gì bù đắp được, đó là sự anh dũng hy sinh của ba chiến sĩ cảnh sát PCCC. Trước sự mất mát đau thương này, nhiều người hy vọng đây là hồi chuông cảnh tỉnh sau cùng đối với tai nạn cháy quán karaoke. Nhưng rồi nó vẫn xảy ra chỉ sau đó chưa đầy 40 ngày.
Cháy quán karaoke là một tai nạn cháy nổ không còn hy hữu nữa. Đã có rất nhiều hồi chuông báo động được bấm nút, tiếng chuông đổ dồn dập, dữ dội nhưng vẫn không chặn đứng được tai nạn này xảy ra. Nó đặt ra câu hỏi, hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke, trách nhiệm thuộc về ai? Làm sao ngăn chặn tình trạng này hay chí ít là hạn chế đến mức thấp nhất có thể?
Chưa có kết luận về nguyên nhân vụ cháy quán karaoke An Phương (Bình Dương) tối qua. Tuy nhiên kể từ khi loại hình kinh doanh này được mở ra, đã có nhiều vụ cháy mà nguyên nhân của nó đa phần xuất phát từ lửa hàn trong quá trình sửa chữa, cải tạo. Sau vụ hỏa hoạn với 13 sinh mạng con người hóa hư không, liên tiếp các năm sau, năm nào cũng có quán karaoke bị cháy. Trong đó, nhiều vụ cháy là do hàn điện gây ra.
Do tính chất đặc thù của các quán karaoke thường là dạng nhà ống được thiết kế kín bít, hệ thống điện chằng chịt, thiết bị cách âm phòng hát toàn vật liệu dễ cháy nổ như mút, xốp, đồ da, gỗ… dễ mất giới hạn chịu lửa và gây sập đổ. Cho nên quy định PCCC ở các nơi này thường rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, rất nhiều quán lơ là, không tuân thủ. Mỗi khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý, thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện PCCC bị đình chỉ nhưng một số vẫn ngoan cố lén lút hoạt động.
Khác với thiên tai, hỏa hoạn đa phần là do con người người trực tiếp gây ra bởi sự bất cẩn, không chấp hành các quy định về PCCC. Ở đây trực tiếp là chủ quán karaoke đã chủ quan, kém ý thức, xem nhẹ tính mạng con người. Chính sự bất cẩn, bất tuân pháp lệnh PCCC của họ đã gây ra những cái chết thật oan uổng. Điển hình là sự hy sinh của ba chiến sĩ PCCC trong vụ cháy quán karaoke ISIS.
Ở nơi "bà hỏa" nổi giận, trong khi mọi người tìm cách thoát ra ngoài thì các chiến sĩ PCCC lại tìm mọi cách lao vô, đương đầu với hiểm nguy hòng cứu lấy sinh mạng và tài sản cho người dân. Đành rằng, không quản ngại hiểm nguy để lao vào lửa cứu người là nhiệm vụ, là công việc của người chiến sĩ PCCC nhưng chỉ vì sự bất cẩn, bất tuân pháp lệnh PCCC, sự vô cảm của những người có liên quan mà khiến các chiến sĩ phải hy sinh cả tính mạng của họ thì quả thật là một "tội ác".
Cho thấy trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ quán. Trong thực tế, đã có những quy định xử phạt các trường hợp cơ sở kinh doanh đang hoạt động, chủ cơ sở không tuân thủ PCCC dẫn đến vụ cháy xảy ra, thậm chí có trường bị truy tố trách nhiệm hình sự và đi tù. Nhưng có vẻ như cần có một biện pháp chế tài nặng hơn nữa mới mong có giá trị răn đe.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thì việc kiểm tra và xử lý nên hết sức nghiêm minh.
Kiểm tra phải bảo đảm thường xuyên, khách quan, không "đánh trống bỏ dùi". Xử lý phải triệt để, đến nơi đến chốn, không "du di". Kiên quyết rút giấy phép kinh doanh những cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo quy định. Với quán karaoke không chấp hành quy định PCCC để xảy ra hỏa hoạn, kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự chủ quán để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh chung.
Lại vẫn mong đây là hồi chuông cảnh tỉnh sau cùng có thể làm thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm của những ông bà chủ kinh doanh karaoke. Đồng thời thúc đẩy sự quan tâm và xử lý nghiêm khắc hơn nữa của các cơ quan hữu quan với loại hình kinh doanh này về phương diện PCCC.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.