Lạm phát tăng vì giá xăng, Bộ Tài chính đề xuất gì?
Thời gian qua, ảnh hưởng từ giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào đã khiến cho CPI 5 tháng đầu năm 2022 vượt qua mốc 2,25%. Trước áp lực lạm phát có xu hướng tăng cao, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm thuế đối với xăng dầu, thuế VAT.
Giảm thuế, ngăn chặn găm hàng, thao túng giá xăng dầu
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trái với kỳ vọng của nhiều tổ chức quốc tế về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh xuống còn 2,6%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4%. Tính chung trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%.
Trong khi dự báo tăng trưởng toàn cầu nhiều lần bị cảnh báo đi xuống thì lạm phát lại liên tục đi lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.
Số liệu các nước kỳ công bố CPI tháng 4/2022 và tháng 5/2022 cho thấy, lạm phát của nhiều nước tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, CPI của Mỹ tháng 4/2022 tăng 8,3%, đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, CPI của khu vực đồng Euro tháng 5/2022 tăng 8,1% gấp 4 lần so với lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Châu Âu. Tại Châu Á, CPI tháng 5/2022 của Hàn Quốc tăng 5,4%, Thái Lan tăng 7,1%, Indonesia tăng 3,55%, CPI tháng 4/2022 của Trung Quốc tăng 2,1% tăng nhanh hơn mức dự kiến so với lạm phát mục tiêu năm 2022 là 3% và Singapo tăng 5,4%.
Tại Việt Nam, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Theo ước tính bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.
Để bình ổn thị trường, trong giai đoạn trước và sau Tết, Bộ Tài chính đã ban hành các chỉ thị, công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường nhanh chóng, kịp thời kiểm soát lạm phát. Theo đó, ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, nhiều chính sách đã kịp thời điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 50% - 70% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 06 tháng đầu năm 2022 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC.
Đồng thời, sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung cầu xăng dầu để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Do có những giải pháp kịp thời trên nên diễn biến CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.
Giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới
Dự kiến, trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát. Bên cạnh đó, Bộ đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.
Việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
.jpeg)
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ Chỉ đạo điều hành. Một trong những nội dung cần chú trọng là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tiếp theo, các cơ quan quản lý đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, địa phương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, Bộ Tài chính khuyến khích các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.