Nghiên cứu phát hiện những thói quen mua sắm khác biệt của thế hệ Z
Instagram hiện đứng đầu danh sách các nền tảng xã hội được ưa thích để mua hàng qua ứng dụng, cho thấy thói quen tiêu dùng mới của khách hàng thế hệ Z (Gen Z) chịu tác động mạnh mẽ của các nền tảng xã hội.
Viện Path to Purchase (P2PI) có trụ sở tại Chicago (Mỹ) là một cộng đồng thành viên toàn cầu phục vụ nhu cầu của các nhà sản xuất thương hiệu, nhà bán lẻ, đại lý và hệ sinh thái của các nhà cung cấp giải pháp trong ngành tiếp thị thương mại. Nghiên cứu về Thói quen mua sắm của Gen Z năm 2022 của Viện Path to Purchase đã khảo sát những người từ 16 đến 24 tuổi về thói quen mua sắm trực tuyến hoặc tại cửa hàng ít nhất một lần mỗi tháng cho một hoặc nhiều danh mục sở thích của họ.
Báo cáo này đã tiết lộ rằng Instagram chiếm vị trí hàng đầu trong mảng thương mại điện tử. 38% Gen Z được nghiên cứu xếp hạng Instagram là nền tảng ưa thích của họ để mua hàng trên ứng dụng.
Instagram là nền tảng xã hội mà Gen Z tham gia hàng ngày. Nhóm nghiên cứu đánh giá cao Instagram trong việc đưa ra các đề xuất cho cá nhân và khả năng bảo mật danh tính khách hàng của nền tảng. Trong khi đó, vị trí thứ hai về nền tảng được Gen Z lựa chọn mua hàng trên ứng dụng là TikTok và Facebook.
Jessie Dowd, giám đốc biên tập của Viện Path to Purchase, cho biết: ''Gen Z hiểu biết về kỹ thuật số, sinh khoảng từ 1997-2006, đã trưởng thành, có tiếng nói mạnh mẽ, hành vi mua hàng khác biệt và sức mua lớn. Nghiên cứu của chúng tôi giúp các thương hiệu và nhà bán lẻ hiểu được insight và hành vi của Gen Z từ cách họ tìm kiếm, kiểm duyệt và mua sắm trên các kênh và nền tảng xã hội cho đến những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ".
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng người tiêu dùng Gen Z là người mua sắm đa kênh với khả năng kiểm duyệt và mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến một cách linh hoạt. 51% số người được hỏi nói rằng họ chủ yếu mua sắm các vật dụng hàng ngày tại các cửa hàng, trong khi 27% còn lại chọn mua sắm trực tuyến.
Những tác động của mạng xã hội với Gen Z tới từ việc họ bị ảnh hưởng bởi cách những mối quan hệ xung quanh họ mua sắm các vật dụng hàng ngày. Hoạt động của bạn bè, gia đình, bạn học và đồng nghiệp ảnh hưởng đến việc mua hàng đối với 75% số người được hỏi.
Gen Z cũng là những người mua sắm dễ bị thu hút bởi các lựa chọn tại cửa hàng có giá cả phải chăng và cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tiếp. Điều này giải thích cho việc Walmart và Target là những điểm đến ưa thích để mua sắm tại cửa hàng cho các mặt hàng hàng ngày bởi những điểm mua sắm này có mọi thứ họ cần và nhiều lựa chọn với giá cả phải chăng.
Mong muốn mua sắm tại cửa hàng một điểm đến (one-stop shop) vẫn là ưu tiên của Gen Z bởi giá cả hợp lý và thuận tiện. Báo cáo đã trích dẫn rằng, dù mua tại cửa hàng hay trực tuyến, Gen Z cũng bị thu hút bởi các chính sách giá tốt.
91% số người được hỏi xác định các chương trình khuyến mãi và bán hàng là có tác động đáng kể. Trong khi đó, đánh giá của khách hàng, ưu đãi cá nhân và nội dung thông tin cụ thể cho các sản phẩm đều được xếp hạng hiệu quả ở mức 88%.
Công nghệ cũng được Gen Z tận dụng cho mua sắm khi 43% người được hỏi sử dụng Google để tìm kiếm sản phẩm. 28% sử dụng các trang web của nhà bán lẻ và 16% sử dụng TikTok trong việc tìm kiếm của họ. Ngoài ra, mạng xã hội hỗ trợ thói quen duyệt web của 50% những người được hỏi với Instagram và TikTok là phổ biến nhất với hơn 60%.
Mặc dù am hiểu công nghệ, P2PI nhận thấy rằng Gen Z ít quan tâm tới NFT hay các tài sản không thể thay thế (Non-fungible token). Chỉ 8% đã mua NFT trước đó và 31% nói rằng họ hoàn toàn không quan tâm đến việc mua NFT.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.