Lâm Đồng: Chị “tố” em trai giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản thừa kế
Nhà đất tại địa chỉ 22/3 Hai Bà Trưng, Phường 6, TP Đà Lạt là di sản thừa kế mà cụ bà Trương Thị Tỵ để lại cho hai chị em Trần Thị Sửu và Trần Thanh Quy. Tuy nhiên, bà Sửu cho rằng ông Quy có hành vi giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tài sản thừa kế nên đã đâm đơn khởi kiện.
Phản ánh đến Báo Công Lý, bà Trần Thị Sửu (SN 1949), ngụ Phường 6, TP Đà Lạt cho biết, nhà đất tại địa chỉ 22/3 Hai Bà Trưng, Phường 6, TP Đà Lạt do mẹ bà là cụ Trương Thị Tỵ tạo lập và được Sở Xây dựng tỉnh Lâm đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất số 4702NĐ/XDQ27 ngày 22/5/1989, diện tích 40m2.
Năm 2001, trước khi qua đời, cụ Tỵ đã lập di chúc phân chia đối với tài sản nhà đất trên. Theo di chúc, nhà đất số 22/3 Hai Bà Trưng được chia cho bà Trần Thị Sửu và ông Trần Thanh Quy. Trong đó, ông Quy được hưởng 19m2, bà Sửu được hưởng 21m2.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Sửu, sau khi cụ Tỵ qua đời, lợi dụng việc bà thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật về quyền thừa kế tài sản, ông Quy đã tự ý liên hệ với các cơ quan chức năng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để làm Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) mà không thông qua bà.
Ngày 19/6/2006, UBND TP Đà Lạt cấp GCN QSDĐ ở số AD 431287 cho ông Quy tại căn nhà số 22/3 đường Hai Bà Trưng, Phường 6, TP Đà Lạt với diện tích 37,1m2 đất ở (trong đó nhà ở diện tích 31,2m2 tại thửa đất số 5034 (318), tờ bản đồ số 22, Phường 6, TP Đà Lạt. Đáng nói, GCN QSDĐ mà UBND TP Đà Lạt cấp lại bao gồm phần diện tích 21m2 thuộc quyền thừa kế của bà Sửu.
“Gần đây, do có nhu cầu bổ sung giấy tờ nhà đất, khi tôi liên hệ với cơ quan quản lý đất đai để được hướng dẫn thì phát hiện ông Quy, em trai ruột của tôi đã sử dụng Bản di chúc cũ để đăng bộ sang tên từ năm 2006, sau đó đã được UBND TP Đà Lạt cấp GCN QSDĐ đối với thửa đất trên. Đây là tài sản thừa kế chung của hai chị em, việc UBND TP Đà Lạt cấp GCN QSDĐ cho ông Quy đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới tài sản thừa kế hợp pháp của tôi”, bà Sửu nói.
Vì quá bức xúc, bà đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Lâm Đồng. Bà yêu cầu UBND TP Đà Lạt thu hồi GCN QSDĐ vào sổ cấp số H00432 ngày 19/6/2006 đối với thửa đất tại địa chỉ 22/3 Hai Bà Trưng, Phường 6, TP Đà Lạt, thửa số 318, tờ bản đồ 22, diện tích 37,1m2 cho ông Trần Thanh Quy do trái pháp luật. Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Lâm Đồng thụ lý.
Theo bà Sửu, ông Quy được UBND TP Đà Lạt cấp GCN QSDĐ là do ông có hành vi gian dối trong việc cung cấp thông tin và kê khai hồ sơ, giả mạo chữ ký của bà và những người liên quan. Do đó, ngày 15/11/2021, bà đã gửi đơn yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng giám định chữ ký mang tên bà đối với hai tài liệu: Giấy cam đoan về việc không tranh chấp thừa kế nhà và đất ngày 06/2/2001 và Giấy thỏa thuận về việc thừa kế quyền sử dụng đất ngày 27/9/2005.
Theo Kết luận giám định số 1626/GĐ-PC09 ngày 26/1/2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, chữ ký, chữ viết ghi họ tên Trần Thị Sửu ở các tài liêu nêu trên là do cùng một người viết và ký ra.
“Không đồng tình với Kết luận giám định của Công an tỉnh Lâm Đồng. Ngày 26/4 vừa qua, tôi đã gửi Đơn yêu cầu giám định lại chữ ký giả của tôi trong hai tài liệu nêu trên đến Phòng Giám định tài liệu, Viện khoa học hình sự, Bộ Công an (địa chỉ: 84 Trịnh Văn Bô, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) để làm rõ những nghi vấn và khuất tất này”, bà Sửu cho biết.
Liên quan đến việc phát hiện chữ ký giả, mới đây, bà Trần Thị Mai (em ruột bà Sửu, chị ruột ông Quy- PV) lại phát hiện trong hai tài liệu nêu trên có chữ ký của bà nhưng bà khẳng định đây là chữ ký giả mạo. Sau đó, bà Mai đã làm đơn yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng giám định lại chữ ký.
Trả lời với báo chí trước đó, ông Quy cho rằng ông được UBND TP Đà Lạt cấp GCN QSDĐ là đúng theo di chúc và không giả mạo giấy tờ nào cả.
Liên quan đến vụ tranh chấp này, có nhiều ý kiến trái chiều, đặt nghi vấn có “khuất tất” trong vụ việc. Vì vậy, rất cần các cơ quan liên quan nhanh chóng phối hợp làm rõ các vấn đề để TAND tỉnh Lâm Đồng sớm đưa ra phán quyết nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên, tránh để khiếu kiện kéo dài.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.