Hàng loạt sai phạm tại Ban quản lý Vịnh Hạ Long: Cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh
Trong thời gian dài, hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong công tác điều hành, quản lý nhân sự, thu chi ngân sách, mua sắm vật tư, đấu thầu, xây dựng… gây thất thoát ngân sách nhà nước xảy ra tại Ban quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long nhưng đến nay sai phạm mới chỉ bị xử lý ở mức “kiểm điểm rút kinh nghiệm".
BỘ MÁY PHÌNH TO, SAI PHẠM KÉO DÀI
Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, ngày 09/12/1995, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long.
Đến nay, cơ cấu tổ chức của BQL Vịnh Hạ Long cho thấy sự “cồng kềnh” khi có đến 10 đơn vị trực thuộc với 352 viên chức, người lao động. Trong năm 2021, với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã phải chi thêm ngân sách 32 tỷ đồng để trả lương tối thiểu cho 352 viên chức, người lao động và hàng loạt chi phí hành chính khác.
Trước đó, hàng loạt sai phạm tại BQL Vịnh Hạ Long đã được UBND TP Hạ Long chỉ ra qua thanh tra công tác quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách năm 2015, cụ thể: BQL Vịnh Hạ Long tự ý duyệt phương án và chấp thuận cho 6 đơn vị, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ tại một số khu vực trên vịnh trái thẩm quyền. Việc thu, nộp phí và quản lý các dịch vụ phục vụ khách tham quan trên vịnh, ngoài Công ty Cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long, các đơn vị kinh doanh dịch vụ còn lại đều hoạt động trái phép.
BQL Vịnh Hạ Long đã không thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; nhiều nội dung chi sai, chứng từ không đầy đủ theo quy định. Trong đó, chi bồi dưỡng cho công tác chống thất thu và chi hỗ trợ kinh phí đoàn đi thực tế học tập kinh nghiệm hơn 157 triệu đồng không đúng quy định.
BQL đã chi nhiều khoản không đúng quy định và hàng loạt nội dung chi không đúng trình tự, quy định của Luật Đấu thầu. Trong năm 2015, BQL Vịnh Hạ Long được UBND tỉnh cấp gần 5 tỷ đồng tiếp tục giải ngân 3 dự án, công trình. Đến thời điểm thanh tra, đơn vị đã giải ngân số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Đoàn thanh tra khẳng định, công tác đầu tư, quản lý dự án, công trình của BQL Vịnh Hạ Long để xảy ra nhiều sai phạm.
Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đơn vị đã vi phạm Luật Đấu thầu; giai đoạn thực hiện dự án, vi phạm Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật về dự án đầu tư xây dựng trong giám sát, thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành; công tác quyết toán, nhiều hạng mục lập quyết toán chưa đúng (tăng khối lượng, áp dụng sai đơn giá). Cá biệt, BQL đã chia nhỏ các gói thầu tại công trình tẩy xóa chữ viết, vết bẩn hang Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Hồ Ba Hầm có tổng giá trị dự toán được phê duyệt hơn 351 triệu đồng, dẫn đến việc lựa chọn, đánh giá năng lực của nhà thầu thi công không đúng theo quy định.
VỊNH HẠ LONG BỊ XÂM HẠI, TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Theo kết luận thanh tra năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thanh tra Chính phủ, về chấp hành chính sách pháp luật trong thực hiện đầu tư xây dựng, dự án điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo, Vịnh Hạ Long do Công ty cổ phần Đại Yên làm chủ đầu tư, với quy mô đầu tư: Tổng diện tích sử dụng mặt nước của dự án là 20.000m2. Trong đó, khu cặp tàu đón và tiễn khách (mặt nước + công trình) diện tích 8.630,79m2, khu vực biểu diễn (mặt nước + công trình) diện tích 6.441,98m2, công trình nổi khác diện tích 3.075,78m2, diện tích mặt nước khác diện tích 1.851,46m2 với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng.
Đến nay, dự án đã thi công xong và đi vào hoạt động từ tháng 9/2019 và chỉ được hoạt động thí điểm 1 năm, sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả tác động của dự án (nhất là tác động của môi trường Vịnh Hạ Long) để xem xét việc tiếp tục triển khai dự án. Nếu dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, dự án sẽ chấm dứt hoạt động và nhà đầu tư phải di chuyến toàn bộ các hạng mục ra khỏi vị trí và tự chi trả các chi phí đầu tư, di chuyển có liên quan. Dự án triển khai trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nên có nhiều quy định pháp luật chuyên ngành chi phối như Luật Đầu tư; Xây dựng; Biển Việt Nam; Giao thông đường thủy nội địa; Môi trường; Di sản Văn hóa, Thủy sản.
Theo kết quả thanh tra, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020. Tuy nhiên, tại quyết định này dự án điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm trên Vịnh Hạ Long tại vụng Cặp Táo không nằm trong quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 17/12/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản giao TP Hạ Long chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức họp nghe Công ty CP Cơ giới đường bộ Đại Yên báo cáo quy hoạch điểm dịch vụ du lịch tại khu vực vụng Cặp Táo; đánh giá ưu, nhược điểm của phương án và sự phù hợp với quy hoạch chỉ tiết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020.
Tuy nhiên, tại cuộc họp đại diện Sở Văn hóa Thể thao không có ý kiến hướng dẫn về chuyên ngành của Sở, là theo quy định trước khi bổ sung thêm dự án vào quy hoạch đã được phê duyệt phải tham mưu cho UBND tỉnh lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch theo quy định.
Đáng chú ý, trong quá trình lập dự án Sở đã “thỏa thuận” với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được Bộ thống nhất cho thực hiện dự án theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh. Dẫn đến, UBND tỉnh phê duyệt bổ sung thêm dự án vào quy hoạch mà không lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước khi phê duyệt là vi phạm Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính Phủ.
Liên quan đến Dự án Điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo (Vịnh Hạ Long), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, văn bản nêu rõ, địa điểm thực hiện dự án thuộc vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, và đề nghị lựa chọn địa điểm khác phù hợp thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long để triển khai dự án nói trên, nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường của Vịnh Hạ Long.
Tại cuộc họp lãnh đạo lần thứ 5 sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long - Cát Bà, UNESCO Việt Nam đã khuyến cáo, những địa phương có di sản không nên coi di sản như một công cụ phát triển kinh tế, khi đã có danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới thì cần phải có kế hoạch bảo tồn để phát triển lâu dài, thay vì quan niệm di sản kéo được nhiều du khách đến để thu về nhiều tiền hơn.
Trước hàng loạt sai phạm được chỉ ra, dư luận đang rất quan tâm về chuyên môn, hiệu quả hoạt động của “siêu bộ máy” BQL Vịnh Hạ Long khi được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, sau khi đã có kết quả thanh tra năm 2020, cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, công khai hình thức xử lý sai phạm đối với tập thể, cá nhân các sở, ban, ngành khi để Di sản thiên nhiên thế giới bị xâm phạm trong suốt thời gian dài.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.