Dự án cải tạo kênh A41: UBND quận Tân Bình có dấu hiệu gây phiền hà, áp đảo người dân?
Người dân liên tục phản ánh tiêu cực liên quan đến Dự án kênh A41 do UBND quận Tân Bình làm CĐT. Tuy nhiên, cơ quan này không giải quyết khiếu nại mà có dấu hiệu gây phiền hà, áp đảo người dân. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu việc thực hiện dự án này có công khai, minh bạch như chủ trương đã đề ra?
Không ít khuất tất tại dự án kênh A41
Thời gian qua, người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cải tạo kênh A41, Phường 4, quận Tân Bình liên tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn TPHCM phản ánh về những tiêu cực của dự án do UBND quận Tân Bình làm Chủ đầu tư (CĐT).
Ngoài những nội dung như: Xác định hè 2 bên 4m là sai với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN) 104:2007 đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký và ban hành từ ngày 30/5/2007; tim kênh bị tác động theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các hộ dân; giá đất bồi thường chỉ bằng 30-40% giá đất trên thị trường; sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất với những gia đình sử dụng đất trên hành lang bảo vệ kênh thành đất có chủ quyền để được bồi thường 100% giá trị đất…
Gần đây, các hộ dân nhận được Quyết định về phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) xây dựng kênh A41. Quyết định có nội dung “Hộ dân làm thủ tục để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đã xác định của quyết định này trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định này. Nếu quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, hộ dân không liên hệ nhận tiền thì Ban BT-GPMB quận Tân Bình sẽ gửi số tiền bồi thường, hỗ trợ vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước…”.
Quyết định này không có gì bất thường nếu người dân nhận trong khoảng thời gian hợp lý so với ngày ký ban hành. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng thì văn bản mới đến tay người dân. Điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Văn bản đi, văn bản đến thuộc ngày nào phải được đăng ký, phát hành hoặc chuyển giao trong ngày, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo... Không biết UBND quận Tân Bình có nhầm lẫn hay sai sót gì trong việc phát hành các quyết định hay vì một lý do nào khác?
Ông Bùi Việt Hùng (ngụ Phường 4) cho biết, ngày 24/5, gia đình ông nhận được 3 văn bản, gồm Quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án kênh A41; Quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Tôi nghĩ đối với một hộ dân thì có thể sơ suất, nhưng chúng tôi đang làm đơn tập thể và dự án này cũng đang được dư luận quan tâm thì việc UBND quận Tân Bình gửi quyết định khi đã hết hiệu lực thực sự có vấn đề, có phải quận đang áp người dân vào thế yếu để nhanh chóng thực hiện dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm hay không?”, ông Hùng bức xúc.
Có dấu hiệu gây phiền hà, áp đảo người dân?
Cũng theo người dân, thay vì có văn bản trả lời rõ ràng các vấn đề phản ánh thì quận Tân Bình lại có động thái nhập nhằng, cố tình không giải quyết khiếu nại. Cụ thể, Công văn 160/TCD-XLĐ ngày 27/4/2022 của Ban Tiếp công dân quận cho biết đơn khiếu nại ngày 26/3/2022 của các hộ dân không đủ điều kiện thụ lý do không đảm bảo quy định tại khoản 1, 8, 9 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011. Còn Công văn 226/TCD-XLĐ ngày 20/5/2022 của Ban Tiếp công dân lại cho rằng đơn khiếu nại ngày 26/3/2022 không đủ điều kiện xử lý do không đúng mẫu số 01 được ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020-/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
“Mỗi công văn đưa ra một lý do để từ chối giải quyết. Tôi cho rằng quận Tân Bình đang cố tình gây phiền hà và thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại. Chúng tôi rất ủng hộ và sẵn sàng hiến đất để thực hiện dự án nhưng mọi thứ phải thật sự công bằng, minh bạch. Tại sao quận luôn tìm cách gây khó dễ cho người dân từ lần này đến lượt khác. Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định rõ các nội dung khiếu nại không được giải quyết nhưng lý do quận Tân Bình đưa ra lại không nằm trong các nội dung đã quy định?”, ông Bùi Quang Phan nói.
Luật sư Nguyễn Duy Binh – Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Điều 3 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định Đơn khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 01. Nghị định này cũng quy định trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
“Trong trường hợp này, người tiếp nhận khiếu nại của UBND Quận Tân Bình cần hỗ trợ và hướng dẫn người dân hoàn thiện đơn khiếu nại theo biểu mẫu quy định, chứ không thể lấy lý do đơn khiếu nại của người dân không đúng mẫu để không thụ lý giải quyết khiếu nại”, Luật sư Nguyễn Duy Binh nói.
Mặt khác, người dân phản ánh, sau khi gửi đơn đến cơ quan chức năng, nhiều cán bộ ở quận Tân Bình, trong đó có công an khu vực liên tục gọi điện, đến trực tiếp nhà hộ dân và sử dụng những lời lẽ mang tính chất đe dọa, yêu cầu người dân rút đơn.
UBND quận Tân Bình “ngó lơ” báo chí?
Đến thời điểm này, các hộ dân đã nhận được nhiều phiếu chuyển đơn của các cơ quan. Tuy nhiên, các vấn đề khiếu nại vẫn chưa đượcgiải quyết theo quy định.
Liên quan đến kênh A41, mới đây, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Trương Tấn Sơn đã phản hồi người dân qua tin nhắn với nội dung: Dự kiến trong tuần sau, UBND quận sẽ tổ chức mời từng hộ dân còn chưa thống nhất một số nội dung liên quan đến dự án để cùng trao đổi, làm rõ…
“Mong muốn của chúng tôi là quận Tân Bình sớm có phản hồi về những vấn đề đó. Tại sao quận không trả lời bằng văn bản hoặc tổ chức họp công khai mà lại muốn làm việc riêng, có phải đang muốn áp đảo chúng tôi?”, một người dân bức xúc.
Trước đó, ngày 9/5/2022, phóng viên Công lý & Xã hội đã đến UBND quận Tân Bình, cán bộ tiếp công dân tiếp nhận nội dung và cho biết sẽ trình lên lãnh đạo xem xét, phản hồi cho báo chí. Sau đó, phóng viên nhiều lần gọi, nhắn tin qua điện thoại cá nhân Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành nhưng đến nay hơn 1 tháng vẫn không nhận được phản hồi. Phải chăng UBND quận Tân Bình đang “ngó lơ” cơ quan báo chí?
Điều 39 Luật báo chí năm 2016 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí”.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.