Vụ cháy Công ty Kwong Lung-Meko: Cứu được 80% tài sản là một thành công
Đó là nhận định của Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an trong buổi trả lời PV báo chí về vụ cháy tại KCN Trà Nóc, Cần Thơ mới đây.
Thưa ông, sau vụ cháy lớn tại Công ty Kwong Lung - Meko (KCN Trà Nóc, Cần Thơ) vừa qua, lực lượng chức năng đã cứu được 80% tài sản. Đây có thể coi là một thành công lớn trong công tác chữa cháy, xin ông cho biết một số nguyên nhân chính góp vào thành công này và những kinh nghiệm rút ra khi xử lý những vụ cháy lớn tại các khu công nghiệp?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Đám cháy tại Công ty Kwong Lung - Meko xảy ra trên tầng cao, chất cháy chủ yếu là lông vũ, bông sợi hóa học,… được tồn trữ với khối lượng lớn, khi cháy có tốc độ lan truyền rất nhanh, tỏa ra nhiều khói, khí độc hại nên gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy.
Có thể khẳng định, với một vụ cháy lớn mà cứu được tới 80% tài sản là một thành công trong công tác chữa cháy. Theo tôi, sự thành công này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, việc tiếp nhận thông tin và điều động lực lượng rất nhanh, trong khoảng thời gian 5 phút, lực lượng, phương tiện của Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã có mặt tại hiện trường, triển khai công tác chữa cháy.
Thứ hai, sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy mà trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ; lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH; sự phối hợp và tham gia tích cực của các Sở, ngành cùng 6 đơn vị Cảnh sát PCCC địa phương lân cận (gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, TP HCM và Đồng Tháp) trong việc huy động lực lượng, phương tiện và phối hợp nhịp nhàng với phương án chữa cháy khoa học, sát thực tế đã khống chế cháy lan, bảo vệ tài sản ở những tầng dưới và các công trình xung quanh.
Và một điều quan trọng nữa là lực lượng Cảnh sát PCCC đã nhận được sự thương yêu, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của nhân dân sở tại trong suốt thời gian chữa cháy.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an. Ảnh: Nam Nguyễn
Qua vụ chữa cháy này, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng rút ra một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong công tác chữa cháy tại các khu công nghiệp, đó là: Cần làm tốt công tác điều tra cơ bản đối với các khu công nghiệp, đặc biệt là nắm chắc các điều kiện bảo đảm giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy.
Đối với những cơ sở có diện tích lớn, chất cháy nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao cần xây dựng, thực tập phương án chữa cháy sát với thực tế, trong đó lưu ý đặt ra tình huống giả định nguy hiểm, phức tạp, đòi hỏi huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia các hoạt động chữa cháy.
Theo chỉ đạo của Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an liên quan tới vụ cháy tại Cần Thơ, tới thời điểm này công tác khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ cháy đang được tiến hành như thế nào thưa ông?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, xác định đây là vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Cần Thơ chủ trì tập trung điều tra, trưng cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp khám nghiệm hiện trường, nhanh chóng xác định nguyên nhân cháy và nguyên nhân vụ cháy.
Đến 12h30 ngày 27/3/2017, các đơn vị chức năng (gồm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ, Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ và Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ) mới tiếp cận được hiện trường để tiến hành công tác khám nghiệm.
Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy đám cháy xuất phát từ kho chứa vải trên tầng 5 của tòa nhà. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố về điện.
Trong khu công nghiệp, có nhà máy chứa nhiều chất dễ cháy, thì lực lượng PCCC tại chỗ sẽ phải xử lý những bước đầu tiên như thế nào thưa ông, trước khi đám cháy bùng phát lớn?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Công tác chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ là hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Bởi vì, tất cả các đám cháy lớn đều xuất phát từ đám cháy nhỏ. Khi đám cháy nhỏ, chỉ cần một gáo nước là đã dập tắt, nhưng chỉ cần chậm trễ vài phút, đám cháy đã có thể phát triển rất lớn, gây ra hậu quả khôn lường.
Ở khu công nghiệp hay bất cứ nơi nào xảy ra cháy, trước khi đám cháy bùng phát lớn, lực lượng PCCC tại chỗ cần phải ngay lập tức triển khai đồng thời (tôi nhấn mạnh là đồng thời) các biện pháp sau:
Báo cho những người xung quanh, người có trách nhiệm và lực lượng Cảnh sát PCCC biết để đến cứu chữa bằng cách hô hoán, đánh kẻng, ấn chuông; gọi 114 để báo cháy.
Tổ chức cho người thoát ra nơi an toàn.
Triển khai phương án chữa cháy tại chỗ; nỗ lực chữa cháy, tìm mọi biện pháp ngăn chặn cháy lan dùng phương tiện tại chỗ dập lửa, di chuyển tài sản, chất cháy ra nơi an toàn...
Nên chăng cần có một tiểu đội PCCC và xe chữa cháy chuyên dùng tại các khu công nghiệp đó không, thưa ông?
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Việc thành lập đội PCCC tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quy định tại Khoản 12, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và được cụ thể hóa tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư 66 năm 2014 của Bộ Công an.
Theo đó, khu công nghiệp, khu chế xuất có diện tích từ 50ha trở lên thì phải thành lập đội PCCC chuyên ngành; cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải thành lập đội PCCC cơ sở với biên chế và trang bị phương tiện phù hợp tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của cơ sở.
Pháp luật cũng khuyến khích các cơ sở có điều kiện về tài chính có thể trang bị thêm các phương tiện PCCC cần thiết để bảo đảm an toàn cho cơ sở của mình như: Máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy, xe thang chữa cháy, tàu, xuồng chữa cháy, máy bay chữa cháy, phương tiện, dụng cụ phá dỡ, các loại phương tiện PCCC cần thiết khác…
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.