Khắc khoải một gia đình “chồng mù, vợ dại”
Chả biết số phận run rủi thế nào, ông tơ bà nguyệt “nhắm mắt se vội” hay sao mà đẩy đưa hai con người một mù lòa, một “thần kinh bất ổn” vào cuộc sống vợ chồng.
Để rồi từ đó, cái cặp “nhân duyên trời định” ấy cứ nảy nòi ra không biết bao nhiêu bi kịch, đớn đau và nước mắt…
“Vợ “dại” mò cua, chồng mù chăn lợn”!
Quá trưa, tôi với chị Hoàng Thị Cam, trưởng thôn Tây Tiến (Phú Lạc, Cẩm Khê, Phú Thọ), mới đến được nhà cặp vợ chồng anh Đoàn Văn Thái (SN 1974) - chị Hoàng Thị Long (SN 1975). Căn nhà hổng hoác, cỏ mọc kín lối vào, mái sụp tường rêu. Khắp vườn hoa dại nở tơi bời, không còn biết chỗ hoang hóa đó là vườn hay… ruộng.
Anh Thái, mù từ năm 17 tuổi. Đang sức vóc vâm vam, đóng gạch thuê ngày đến cả nghìn viên, tự dưng hai mắt anh dần teo lại, ban đầu còn “nhờ nhờ”, sau thì “tịt” hẳn. Gia đình đưa anh đi chạy chữa khắp nơi, từ bà lang trên mãi rừng xanh núi đỏ Cao Bằng, đến ông tiến sỹ Viện Mắt Trung ương dưới Hà Nội cũng lắc đầu quầy quậy. Có người bảo, anh bị mù do… di truyền. Bởi nhà anh, bố mẹ sinh được chín người con thì đến 3 người khuyết tật. Nhưng, cũng có người đồn thổi, tại ngày trước, anh làm nghề đóng gạch, cái nghề “chém đất chuốc bệnh”, không may đào bới, phạm phải “long mạch”, nên mới bị “Ngài” quở phạt “ăn sạch” hai con mắt! Cực chẳng đã, gia đình đành đưa anh về “khua gậy” ở nhà.
Ngày ngày anh quanh quẩn từ giường ra sân, giúp bố mẹ nhặt mớ rau, băm đống bèo cho lợn. Nhiều khi hứng chí, anh bốc thóc cho gà, sân anh không ném, ném toàn… bể nước. Rồi đùng cái, anh lấy vợ.
Anh Thái – Chị Long: “Căn nhà này cũng là được anh trai bán chịu cho 5 triệu…
Vợ anh, chị Hoàng Thị Long, kém chồng một tuổi. Lúc nhỏ, chị cũng ốm đau sài đẹn, thỉnh thoảng lên cơn sốt cao, cơ thể co co, giật giật, mắt trợn trừng trợn trạo. Cũng chỉ vì “sở hữu” cái tiền sử “thần kinh không ổn định” ấy, mà ngoài 30 xuân xanh, chị vẫn ở vậy. Tuy chưa đến mức phát bệnh tâm thần đi lang thang vô định, quần áo tả tơi, nói cười lảm nhảm nơi “đường đời gió bụi”, nhưng do bị ảnh hưởng của những trận ốm thập tử nhất sinh từ khi còn nhỏ, trí nhớ chị giờ “lúc còn lúc mất”.
Họ hàng mối lái, hai con người tận khổ ấy chịn tựa vào nhau. Gia cảnh hai bên gia đình cũng chả có gì sang cả, năm 2006, chị lầm lũi theo anh về làm dâu “nhà họ Đoàn” trong con mắt vừa vui mừng, vừa nghi ngại của bà con làng xóm. Lấy nhau một thời gian, được bố mẹ cắt cho mảnh vườn, lại nhờ ông anh trai bán chịu cho căn nhà gianh tre này với giá 5 triệu đồng, anh Thái “dắt” vợ ra ở riêng. Thời gian đầu, chị Long phải dẫn anh đi lòng vòng trong nhà, ngoài ngõ, chỉ từng vị trí “chướng ngại vật” để anh biết mà “né”. Đồ đạc nào dễ vỡ, chị giấu tiệt, bởi chỉ cần sơ sểnh chút là bị anh “khua” vỡ. Lâu dần, anh quen với không gian, đi không cần dắt. Tập tành thêm chút nữa, anh cũng giúp được vợ cho con lợn, con gà ăn, nhưng đôi khi, thay vì đổ thức ăn vào máng, anh đổ cả ra ngoài.
Mỗi khi trái gió trở trời, cặp mắt anh Thái lại tấy lên đau nhức
Ở miền đất trung du này, người lành lặn, khỏe mạnh sống vốn đã khó khăn huống hồ người khuyết tật. Cả hai vợ chồng anh Thái chỉ trông vào gần ba sào ruộng, năm nào mưa lũ nhiều thì chỉ cấy hái được trên một nửa diện tích, nửa “bờ xôi ruộng mật” còn lại chìm trong bụng nước. Nông nhàn, chị mò cua bắt ốc kiếm thêm, anh ở nhà làm việc lặt vặt, cuộc sống cũng tạm đủ ngày hai bữa.
Mỗi mùa mưa, cả gia đình sống chung với… nước!
Nhưng kể từ khi chị Long sinh cháu Đoàn Tuấn Anh, “thêm miệng ăn, bớt người làm”, gia đình ngày thêm khốn khó. Chị “ở cữ”, anh “khua gậy” quanh nhà, ba con người chỉ còn biết “dựa” vào hơn trăm ngàn tiền trợ cấp. Mỗi khi con đau ốm hoặc có công việc gì, chị lại cắp vài cân thóc đi bán. Bán mãi cũng hết, chị bán luôn cả thóc còn đương ở… ngoài đồng. Chị thương mình thì ít, thương con thì nhiều. Thằng bé từ nhỏ oặt ẹo, môi nó lúc nào cũng tím rắt như vừa ăn sim chín trên một miền đồi trung du nào đó, hiếm khi được mẹ mua cho cân đường, hộp sữa.
Bàn tính mãi, vợ chồng chị vay mượn người thân mua vài con lợn về nuôi. Bao ngô, thóc trong nhà đổ ra, đàn lợn phổng phao. Sắp đến ngày “xuất chuồng”, tự nhiên chúng lăn đùng ra lở mồm long móng, bán rẻ cũng chả ai mua. Hôm đào hố “chôn” lợn, chị khóc mãi.
Vợ chồng anh Thái trò chuyện cùng tác giả
Khó khăn, túng bấn là thế, nhưng cái “chuyện sinh đẻ” thì vợ chồng anh Thái, chị Long lại không đừng được. Dù đã nghe cán bộ các cơ quan đoàn thể ở địa phương vận động “kế hoạch” để gia đình bớt khổ, nhưng chị lúc nhớ, lúc quên. Đầu năm 2011, chị sinh thêm cháu Đoàn Quang Trung. Thằng bé mới được gần mười tám tháng mà đã “nổi danh” toàn khu vì suy dinh dưỡng. Từ nãy đến giờ, nó nằm khóc đay đảy vì khát sữa.
Gia đình túng quẫn, chị Long “đánh liều” vay ngân hàng chính sách 10 triệu để mua bò đẻ. Tiền bò 8 triệu, còn lại 2 triệu chị sắm sanh gỗ lạt về làm chuồng. Mới đầu chị còn dắt được đi chăn, nhưng như thế phải nghỉ “cua, ốc”, tức là “bò no, người nhịn”. Mà để chồng đi chăn thì anh chỉ toàn dắt bò long nhong trên… đường nhựa. “Bữa đực, bữa cái”, con bò mỗi ngày một gầy đi. Cực chẳng đã, chị bán bò, lỗ mất 2 triệu đồng. Lời lãi đâu chả thấy, món nợ 10 triệu ngân hàng như bài toán đố không lời giải với cặp vợ chồng thống khổ này.
Đã thế, thời gian gần đây anh Thái lại hay đau ốm. Những hôm trời nắng nóng bất thường, đầu anh đau buốt, hai hốc mắt hổng hoác cứ nhểu ra thứ nước vàng vàng, nhưng nhức. Mỗi lần anh đi viện, mặc dù đã được “chiếu cố” theo diện hộ nghèo, thì chi phí đi lại, ăn uống cũng ngốn mất đến vài chục cân thóc.
Toàn cảnh “căn nhà 5 triệu” của vợ chồng anh Thái, chị Long
Chị Long khóc bảo, thóc bán hết rồi, hết từ cái đận tháng tư, trong nhà chả còn hột nào. Giờ chỉ còn biết trông chờ vào mấy đám lúa đang lều bều, ngụp lặn ngoài ruộng. Bão lại sắp về, chả biết lúa có sống nổi rồi trổ bông trĩu hạt để “cứu người” không. Chị đang tính, cố nuôi mấy con chó nó lớn chút rồi đem bán lấy tiền cho anh lên bệnh viện tỉnh chữa bệnh. Chứ mấy hôm nay, thấy anh Thái đau đầu quá, lăn lộn, vật vã, chị cũng xót. Nhưng tính là tính thế thôi, chứ cứ nhìn đàn chó ốm nhẳng nằm im thin thít gậm giường, khách đến chả thèm sủa lên một tiếng kia thì liệu không biết có ai mua?
Trời đã quá trưa mà chả thấy vợ chồng anh Thái nhắc gì chuyện cơm nước. Thằng con anh, vắt vẻo ôm cổ bố đòi ăn chán cũng lăn ra nhà ngủ, ruồi bâu đầy thân thể gầy còm, lem luốc. Anh Thái bảo, nghe nói mùa mưa bão sắp về, anh đương lo căn nhà gianh tre này chả biết có chịu nổi không? Mấy lần anh định vay mượn để mua nguyên liệu rồi nhờ thợ lợp lại mái cho khỏi dột, nhưng ở vùng đất trung du này, người dư dả thì ít, người nghèo khó thì nhiều. Vả lại, ví như gia cảnh nhà anh, “chồng mù vợ dại” thì cũng hiếm người dám bỏ tiền cho vay. Thế là mỗi mùa mưa, cả gia đình anh sống chung với… nước.
Cộng thêm chuyện ông anh trai dạo này cũng túng bấn, hôm trước mới qua đòi 5 triệu tiền nhà, anh Thái quay ra quay vào chưa biết tính thế nào, đầu đã đau lại càng đau thêm. Nhắc đến món nợ, chị Long giấu mặt sụt sùi. Ngoài trời, giông gió ồn ã kéo về như báo hiệu sắp có một cơn bão lớn. Anh Thái lặng lẽ đứng dậy “khua gậy” dò dẫm ra sân vơ vài cành củi dúi vội vào chái bếp…
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.