Chiến sĩ biên phòng và lớp học đặc biệt ở xóm Việt kiều
Ở vùng biên giới thuộc huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có một lớp học vô cùng đặc biệt. Người đứng lớp là những chiến sĩ của Đồn Biên phòng Tuyên Bình và học sinh là con của những người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia.
Lớp học đặc biệt
Cứ đều đặn hằng đêm, con đường từ xóm Việt kiều tới trường tiểu học Tuyên Bình (thuộc ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) lại rộn ràng tiếng học sinh í ới gọi nhau đi học. Trên tay các em là quyển sách Toán và Tiếng việt đã cũ vì chuyền từ tay bạn này sang bạn khác. Các em học sinh này không thể đến trường vào ban ngày như những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ của lớp học đặc biệt này vốn là con của những người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia trở về Việt Nam sinh sống.
Cha mẹ của các em khi trở về quê hương đã là những người không có quốc tịch cũng như các giấy tờ liên quan khác . Vì vậy, những đứa trẻ ở đây từ nhỏ đã phải tự mưu sinh để giúp đỡ gia đình. Ban ngày các em đi bán vé số, nhặt vê chai để trang trải cuộc sống, phụ giúp cha mẹ. Khi đêm xuống mới là khoảng thời gian mà các em thực sự sống như những đứa trẻ đồng trang lứa khác, chúng tụ tập lại đùa giỡn rượt đuổi nhau.
Hiểu được những thiếu thốn của những đứa trẻ nơi đây, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã quyết định lập ra lớp học tình thương với mục đích “xóa mù chữ” cho các em. Những người thầy dạy cho các em cũng thật đặc biệt. Đó là các chiến sĩ còn rất trẻ được lựa chọn có đủ trình độ văn hóa và đạo đức để dạy kiến thức cho các em.
Thượng úy Đào Đình Luyện hướng dẫn các em học bài
Thượng úy Đào Đình Luyện (tham gia giảng dạy) chia sẽ:"Các học sinh ở đây chịu nhiều thiệt thòi khi phải mưu sinh từ nhỏ, gia đình các em đều làm thuê nên khó khăn về kinh tế vì vậy để vận động các em đi học đã khó việc duy trì sỉ số lớp học càng khó hơn. Thế nhưng, các em rất muốn được đến lớp nên chúng tôi luôn cố gắng duy trì lớp học để các em biết được con chữ, nâng cao nhận thức".
Hiện tại, ở lớp học tình thường này cứ 1 thầy dạy 2 lớp. Tổng số học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 có 41 em. Vì lớp 1 có sỉ số tương đối đông hơn các lớp khác với 27 học sinh do một giáo viên dạy nên riêng một phòng học. Còn lớp 2 có 8 học sinh, lớp 3 có 4 học sinh và lớp 4 có 2 học sinh, một thầy sẽ dạy cả ba lớp và học chung một phòng học.
Và những ước mơ cao đẹp khó thành
Vì thiếu địa điểm dạy nên Đồn mượn phòng học của trường tiểu học Tuyên Bình. “Có nhiều em hôm nay được đến lớp với bạn bè nhưng có thể ngày mai vì cuộc sống mưu sinh các em lại phải chia tay thầy giáo, bạn bè để theo cha mẹ đi xứ khác tìm cuộc sống tốt hơn”, anh Nguyễn Hưng Giang (tham gia giảng dạy) cho biết.
Anh Nguyễn Hưng Giang dạy học sinh đọc chữ
Em Nguyễn Thị Chinh (13 tuổi) theo gia đình trở về Viẹt Nam từ năm 2009. Vì cha mẹ không có quốc tịch hay giấy khai sinh cho em nên không thể đến trường. Em Chinh nói :"Khi được đi học con rất vui vì con cùng nhiều bạn biết chữ, được các thầy dạy đọc, dạy hát, con muốn được tiếp tục đi học tiếp. Con muốn sau này trở thành một cô giáo để đi dạy học như các thầy".
“Con muốn được đi học nhưng mẹ bảo ở nhà làm vườn. Nhiều lúc con ở nhà nhưng được thầy đến dẫn đi học. Con ước hằng ngày được đến trường như các bạn, học ban đêm trời tối lắm nên mẹ không cho đi”, em Đỗ Văn Châu (12 tuổi) bày tỏ. Nói về ước mơ tương lai, Châu nói muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.
Nhìn những nét mặt còn lấm lem vì mưu sinh nhưng vẻ hồn nhiên vẫn tràn ngập trên từng khuôn mặt các em. Có lẽ ước mơ được gắn bó với trường lớp không được kéo dài nữa vì lớp học tình thương này chỉ kéo dài đến hết lớp 4. Những ước mơ được trở thành cô giáo, bác sĩ có lẽ sẽ phải đọng lại trong kí ức tuổi thơ của các em.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.