0h00 ngày 15/4, chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại 23 tỉnh, thành phố
Bắt đầu từ 0h00 ngày 15/4, giai đoạn 2 của kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ được thực hiện tại 23 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi mã vùng viễn thông cố định đợt này bao gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng
Dự tính sẽ có khoảng hơn 1 triệu thuê bao cố định được chuyển đổi số trong giai đoạn 2 của kế hoạch chuyển đổi mã vùng viễn thông cố định.
Theo đó, các nhà mạng sẽ cho phép các thuê bao quay số song song số cũ và số mới đến hết 23h59 ngày 14/5, sau đó duy trì âm thông báo đến 23h59 ngày 16/6, trước khi bắt đầu giai đoạn 3 của kế hoạch.
Để việc thực hiện chuyển đổi mã vùng diễn ra thuận lợi, đại diện của nhà cung cấp dịch vụ VNPT cho biết, VNPT đã xây dựng phương án kỹ thuật đối với từng loại tổng đài, từng loại thuê bao đang cung cấp dịch vụ và tổ chức tập huấn phương án kỹ thuật với tất cả đơn vị VNPT các tỉnh, thành phố trực tiếp triển khai.
Ngoài ra, để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, bảo đảm chuyển đổi mã vùng thành công, ngay từ đêm 11/4, VNPT đã chuyển đổi trước mã vùng cho tỉnh Bắc Kạn. Tất cả kịch bản được thử nghiệm và đạt kết quả tốt, đại diện VNPT chia sẻ. 22 tỉnh còn lại, VNPT sẽ thực hiện chuyển đổi từ 0h00 ngày 15/4.
Trước đó, giai đoạn 1 của kế hoạch chuyển đổi mã vùng viễn thông cố định đã hoàn tất trong ngày 14/4. Bộ TT-TT đánh giá giai đoạn này đã triển khai tương đối tốt, đạt các mục tiêu cơ bản đề ra; tỷ lệ sai sót không có và tỷ lệ cuộc gọi thành công cao, 85% các cuộc gọi liên mạng quay theo mã vùng mới.
Theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn phê chuẩn bằng Quyết định số 2036 ngày 21/11/2016, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định hiện tại của 59/63 tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ 0h00 ngày 11/2/2017 và hoàn tất vào 31/8/2017. Mã vùng điện thoại của 4 tỉnh được giữ nguyên là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang.
Phía đại diện Bộ TT-TT cho hay rằng, kế hoạch chuyển đổi mã vùng kho số viễn thông đã được Bộ TT-TT chỉ đạo, khảo sát đánh giá năng lực của hệ thống và thử nghiệm hệ thống trên thực tế. Việc chuyển đổi mã vùng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.
Được biết, kế hoạch chuyển đổi này sẽ giải phóng và thêm vào tài nguyên kho số khoảng 600 triệu đầu số. Dự kiến 100 triệu số sẽ dùng cho cho dịch vụ điện thoại vệ tinh, điện thoại Internet, đầu số dự phòng, cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an. 500 triệu số còn lại sẽ được phân bổ để phát triển thuê bao di động và các dịch vụ mới.
Cũng theo quy hoạch, sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi mã vùng cố định, Bộ TT-TT sẽ cho phép các mạng di động thực hiện chuyển đổi các thuê bao di động 11 số hiện nay thành 10 số, theo đầu số của từng nhà mạng để thống nhất dịch vụ di động ở Việt Nam chỉ có dải 10 số.
Sau chuyển đổi, mã vùng điện thoại cố định của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều bắt đầu với số 2 và có 3 số (2XX); riêng Hà Nội và TPHCM sẽ có mã 2 số (Hà Nội là 24 và TPHCM là 28). Số điện thoại cố định riêng của tất cả thuê bao hiện nay đều được giữ nguyên, không có bất kỳ thay đổi nào. Sau khi chuyển đổi xong, dãy số liên lạc của tất cả các số điện thoại cố định của Việt Nam đều là 11 số (0 + số mã vùng + số thuê bao). |
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.