Chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó có quy định về chế tài đối với hành vi khai thác cát trái phép.
Cát tặc từ lâu vẫn là một trong những vấn nạn được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép lại tiếp tục nóng lên với sự việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh lên tiếng xác nhận việc ông và cán bộ cấp dưới bị đe dọa sau khi đề nghị dừng các dự án khai thác cát trên sông Cầu.
Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/ 2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó có quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi khai thác cát trái phép. Xin hỏi, các mức phạt này cụ thể như thế nào?
Một độc giả Hà Nội
Ảnh minh họa: Zing News
Trả lời:
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó có quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi khai thác cát trái phép.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Khi khai thác cát ở lòng sông có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 50% đến dưới 100% hoặc vượt từ 0,5ha đến dưới 1ha và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 2m đến dưới 5m thì bị phạt từ 100 - 300 triệu đồng; phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100% trở lên hoặc vượt từ 1ha trở lên và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 5m trở lên…
Phạt từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó; thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng không đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát có thể thu hồi với UBND cấp tỉnh nơi có hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch.
Đặc biệt, phạt tới 200 triệu đồng nếu không có giấy phép khai thác. Đối với hành vi khai thác khi giấy phép khai thác đã hết hạn hoặc khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng.
Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.