Nga sẽ kiếm được bao nhiêu khi đẩy mạnh xuất khẩu dầu sang châu Á?
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Kpler (Singapore), Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang khu vực châu Á nhằm thay thế thị trường châu Âu truyền thống. Cho đến cuối năm 2022, Nga có thể thu về thêm 8 tỷ USD từ việc bán dầu cho Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Nga đã vượt qua Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong tháng 5, Bắc Kinh đã mua tổng cộng gần 8,42 triệu tấn nguyên liệu thô từ Nga, tương đương khoảng 1,98 triệu thùng mỗi ngày. Con số này tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 25% so với tháng 4. Giá trị xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc trong tháng 5 đạt 7,47 tỷ USD, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với tháng 4 và gấp đôi so với mức ghi nhận vào năm 2021.
Nguyên nhân chính khiến nhập khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc tăng mạnh là do giá dầu Urals giảm mạnh so với dầu Brent. Các công ty hàng hóa quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc là Sinopec và Zhenhua Oil đã tích cực mua nhiên liệu của Nga với mức chiết khấu cao.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng trở thành nước hưởng lợi khác từ giá dầu rẻ của Nga. Từ ngày 27/5 đến ngày 15/6, New Delhi đã nhập khẩu lượng dầu trị giá 2,22 tỷ USD từ Nga, gấp 31 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Reuters, việc Ấn Độ nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga đã tăng lên đáng kể, do bên mua được giảm giá ưu đãi lên tới 30%
Ngay cả khi tính đến khoản chiết khấu lớn của dầu Urals so với dầu Brent, Nga vẫn sẽ lãi đậm cho đến cuối năm 2022 nhờ đẩy mạnh xuất khẩu dầu sang châu Á. Nhà kinh tế học Kondratyev cho biết, nếu Moscow duy trì khối lượng kỷ lục như trong tháng 5, tương đương 8-8,5 triệu tấn dầu xuất khẩu vào tháng 12, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm hàng tỷ USD và có thể bù đắp cho việc giảm xuất khẩu sang các nước phương Tây.
Chênh lệch lượng dầu Nga cung cấp cho Trung Quốc từ đầu năm đến nay lên tới xấp xỉ 3-3,5 triệu tấn. Nhờ đó, Nga sẽ thu về 320-350 tỷ rúp (khoảng 8 tỷ USD) vào cuối năm 2022. Lợi nhuận hàng tháng sẽ là 1,2 tỷ USD.
Ông Kondratyev cũng nhận định rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ, sẽ không được dỡ bỏ trong tương lai gần. Do đó, kế hoạch bán dầu giá rẻ của Nga cho các nước châu Á khả năng cao sẽ tiếp tục đến hết năm 2022 và thậm chí đến nửa đầu năm 2023.
Việc chuyển hướng dầu sang châu Á giúp Nga duy trì mức sản xuất dầu bất chấp các lệnh cấm của phương Tây. “Châu Á đã cứu sản lượng dầu thô của Nga. Thay vì suy giảm sâu hơn, Nga gần như đã gần đạt đến mức trước đại dịch", Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler, cho biết.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.