NATO mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên minh, tiếp tục mở rộng về phía Đông
Các nhà lãnh đạo NATO đã chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Động thái trên diễn ra ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận hai quốc gia Bắc Âu trở thành một phần của Liên minh quân sự.
.jpg)
“Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ khiến họ được bảo vệ, NATO mạnh hơn và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương an toàn hơn. An ninh của Phần Lan và Thụy Điển có tầm quan trọng trực tiếp đối với Liên minh, kể cả trong quá trình gia nhập”, NATO cho biết trong tuyên bố chung được đưa ra hôm 29/6 tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha.
Quốc hội của 30 nước thành viên sẽ phê duyệt lại quyết định kết nạp hai quốc gia Bắc Âu lần cuối. Thông thường việc này sẽ mất từ 8-12 tháng, nhưng NATO đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến trình.
Vào tháng 5, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn gia nhập NATO, từ bỏ vị thế trung lập đã duy trì trong nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy phản đối việc kết nạp hai quốc gia Bắc Âu vào khối. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, vào ngày 28/6, Ankara đã thay đổi quan điểm, ủng hộ Helsinki và Stockholm trở thành một phần của Liên minh quân sự.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO, cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã đồng ý tăng cường hợp tác chống khủng bố. Hai quốc gia Bắc Âu cam kết chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Phần Lan và Thụy Điển sẽ sửa đổi luật pháp, giải quyết vấn đề liên quan đến hoạt động của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và ký kết thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 29/6, các thành viên NATO đã nhất trí về Khái niệm Chiến lược mới, trong đó, Nga bị coi là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương".
Gia nhập NATO đồng nghĩa với việc Thụy Điển và Phần Lan sẽ được đặt dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ và được bảo vệ theo điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào năm 1949. Theo đó, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của Liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ Liên minh và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ nước bị tấn công ngay lập tức.
Ngược lại, hai quốc gia Bắc Âu mang lại lợi ích địa chiến lược to lớn cho NATO. Phần Lan có chung đường biên giới dài 1340 km với Nga và sở hữu một quân đội hiện đại được trang bị tốt. Trong khi đó, Thụy Điển có thể kiểm soát lối vào Biển Baltic, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho NATO trong kế hoạch phòng thủ ở Đông Âu.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.