Người đàn bà sống mòn trong trại phong Quả Cảm
Hơn 70 năm mắc bệnh cũng là chừng ấy thời gian đen tối của bà Ngô Thị Hiền (84 tuổi) sống giữa những nỗi đau của thể xác và tâm hồn do căn bệnh phong quái ác, dù đã đi đến bên kia dốc của cuộc đời nhưng bà vẫn phải sống lầm lũi giữa những cô đơn buồn tủi.
Trại phong Quả Cảm nằm tại xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, nơi đây là nơi ở của những bệnh nhân phong cao tuổi. Hiện nay, bệnh phong đã không còn là căn bệnh “tứ chứng nan y”, bệnh nhân phong cũng được chữa trị và nhận được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Thế nhưng, trong thẳm sâu tâm hồn những bệnh nhân phong cao tuổi vẫn luôn thường trực nỗi cô đơn, nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ gia đình.
Tuổi trẻ bị bỏ lỡ
Bà Ngô Thị Hiền, sinh năm 1933 ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, là một bệnh nhân cao tuổi sống lâu năm tại trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh). Bà sống lầm lũi một mình khi không có người thân và gia đình ở cạnh. Với bà, niềm vui và liều thuốc tinh thần chính là tình thương yêu của những người cùng cảnh ngộ và sự chăm sóc của xã hội.
Bà Hiền kể về cuộc đời mình bằng giọng nói tắc nghẹn, những hàng nước mặt chảy dài trên gương mặt nhăn nheo của người đàn bà đã đi qua bên kia dốc của cuộc đời. Bà kể rằng, bà đã từng có một gia đình đầy đủ bố mẹ và lớn lên cùng bốn anh chị em của mình. Tuổi thơ của bà cũng giống như bao đứa trẻ vùng quê nghèo khác.
Đau đớn thay, khi lên bảy, lên tám, bà phát hiện bị bệnh phong (hay người ta quen gọi là bệnh cùi) - một trong những căn bệnh một thời được xem là không thể chữa được. Khi bà đã bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, bắt đầu biết suy nghĩ, biết tủi hờn thì tất cả mọi người đều khiếp sợ và hắt hủi. Trong tiềm thức của mình, bà vẫn nghĩ về tháng ngày đó là những ngày tháng đen tối và vô cùng đáng sợ.
“Ngày tôi bị bênh ở quê khổ lắm, bố mẹ mất sang ở với ông chú. Nhưng người ta sợ có cho ở đâu, còn mang trâu vào trong nhà để đuổi mình đi. Họ sợ bệnh này như sợ cái chết vậy”. Mỗi khi nhắc lại ngày tháng ấy, đôi mắt bà Hiền rưng rưng, dòng nước mặt chực chờ chảy xuống.
Bà kể rằng bà đã tự tìm đến cái chết để kết thúc những lời dè bỉu người ta dành cho bà nhưng không thành. Trở về với hiện thực cuộc sống, nỗi mặc cảm bệnh tật không cho bà những ngày yên phận tại quê hương. Bà bỏ đi, nhưng đi đến đâu người ta cũng tìm cách xa lánh, đánh đuổi. Rồi bà được người ta đưa đến trại phong tập trung ở Quỳnh Lưu – Nghệ An. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt, bà gặp được ông Hoàng Văn Thỏa (Hưng Yên), hoàn cảnh giống nhau, hai con người, hai số phận bất hạnh dắt díu nương tựa vào nhau đi tìm nơi bấu víu, họ nên vợ nên chồng.
Thế rồi cuộc đời đưa đẩy, họ được cưu mang và đưa về trại phong Quả Cảm này. Nhưng sau đó chiến tranh lại đẩy đưa hai ông bà từ Bắc Ninh vào Nghệ An; và đến cuối năm 1965, ông bà trở về Bắc Ninh và ở đó cho đến tận bây giờ. Mỗi khi khi trái gió trở trời, cơ thể của ông bà lại đau âm ỉ, hai mảnh đời đã động viên nhau trở thành động lực của nhau để tiếp tục sống.
Cuối năm 2015, ông Thỏa, người bạn đời của bà qua đời sau một thời gian dài đau ốm để lại bà Hiền một mình trơ chọi giữa căn phòng nửa sáng nửa tối rộng chỉ chừng mươi mét vuông tưởng chật lại hóa rộng với thân già côi cút.
Tuổi xế chiều lầm lũi trong nỗi cô đơn
Cách thành phố Bắc Ninh chừng 5km, trại phong Quả Cảm nằm sâu trong một con đường nhỏ, gồm 4 dãy nhà cấp 4 với nhiều phòng, mỗi phòng rộng khoảng 10-12 mét vuông. Phòng bà Hiền nằm ở ngay dãy nhà đầu tiên.
Trong căn phòng đơn sơ chẳng có nhiều vật dụng, chỉ có vài món đồ đơn giản, một chiếc giường nhỏ, một chiếc tủ lạnh con con được Tỉnh ủy Bắc Ninh tặng ông Thỏa để dự trữ thức ăn dành cho người tiểu đường, một cái chạn bát cũ kĩ đựng đôi ba chiếc bát, vài món đồ được các đoàn tình nguyện trao tặng và dăm ba tấm ảnh hai ông bà chụp chung cách đây mấy năm.
Căn phòng chật hẹp ấy là cả thế giới của bà Hiền, bà dành ra một khoảng lớn để làm nơi thờ cúng cho ông Thỏa. Bà Hiền bảo rằng ngày nào bà cũng thắp hương cho ông, bởi nếu không làm gì sẽ buồn mà bệnh mất. Mọi đồ vật dường như đều có đôi có cặp, duy chỉ có bà Hiền, một mình, trơ trọi giữa căn phòng.
Giờ đây chỉ còn mình bà với nỗi cô đơn
Hậu quả của bệnh phong để lại trên cơ thể bà đôi bàn tay cụt lủn, nhăn nheo, run rẩy với những ngón tay co quắp, đốt bàn tay sưng ụ. Mọi sinh hoạt của bà đều chật vật, khó khăn “Muốn ăn gì cũng khó vì chẳng cầm nắm được, sinh hoạt tiện thế nào ở thế đó thôi”
Từ ngày ông Thỏa qua đời, bà Hiền trở nên lầm lũi hơn trong chính căn phòng của mình. Giấc ngủ là thứ duy nhất giúp bà quên đi nỗi cô đơn tuổi già, nhưng những cơn đau bất chợt mỗi đêm lại đánh thức những cảm xúc đáng thương ấy. “Có khi nửa đêm chân tay như co rút đau lắm, tôi không thể nào nhắm mắt ngủ được. Nhiều hôm gián, chuột gặm nhấm tay chân mà chẳng ngồi dậy đuổi được”.
Có lẽ do đã ở đây đủ lâu để bà có thể hiểu rõ tất cả những hoàn cảnh tại trại phong này. Ai vào đây khi nào những ai đã chết, chết bao giờ, ai già nhất, ai trẻ nhất bà đều biết rõ. Dường như, những gì bà có thể biết và nhớ, ngoài kí ức đau buồn không muốn nhắc lại kia, chỉ còn lại trại phong Quả Cảm.
Trải qua gần cả cuộc đời đau khổ, bà Hiền luôn ước mong có một ngày sống với thân thể lành lặn, không bệnh tật, không bị người nhà xua đuổi, có con cháu đề huề bên cạnh khi tuổi đã cao sức đã mỏi. Bà ước mong có thể được một lần trở về với quê hương xứ sở. Nhưng ở tuổi 83, dường như giấc mơ ấy đã quá xa vời.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.