Lớp học miễn phí giữa lòng Tây Đô: Nơi "hội tụ" những phận nghèo
Mỗi khi thành phố lên đèn, cũng là lúc trong căn nhà nhỏ của cô Uyên, 53 tuổi, bắt đầu vang lên tiếng ê a của trẻ nhỏ.
Đó là lớp học tình thương mà gần 10 năm qua mà cô Lê Thị Mỹ Uyên (53 tuổi, Khu vực IV, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) cất công gầy dựng.
Lớp học hội tụ những phận nghèo
Căn nhà nhỏ của vợ chồng cô nằm cuối con hẻm trên con đường Mạc Đỉnh Chi, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống nó trở thành “ngôi trường” nhỏ của các em nghèo trên địa bàn. Cô Uyên cho biết: “Mấy em ở đây là các có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường, trẻ bán vé số, và cả những trẻ em mồ côi thiếu thốn tình cảm nên việc dạy cũng gặp nhiều khó khăn”.
Ban đầu lớp học chỉ có vài em, nhưng sau một thời gian, có nhiều người gửi con đến với lớp học của cô nhiều hơn bởi thấy các em sau khi đến lớp của cô học đều trở nên ngoan ngoãn, học giỏi và điều hơn hết là cô dạy miễn phí không lấy tiền.
Trong không gian nhỏ hẹp gần 30 mái đầu chụm vào nhau mỗi tối. Lớp học không bảng đen, không phấn trắng. Khó khăn là thế nhưng liên tục 8 năm qua, lớp học tình thương của cô Uyên không bao giờ vắng bóng học trò.
“Lúc trước em đi bán vé số, tình cờ gặp được cô, cô kêu em về học với cô, cô dạy cho em biết chữ rồi cô còn xin cho em đi học. Năm nay em học lớp 4 rồi đó. Em biết ơn và thương cô nhiều lắm”, em Trần Thị Thúy Hằng chia sẻ.
Lớp của cô có hơn 30 em học sinh là hơn 30 hoàn cảnh khác nhau và đa phần chung đó chính là cái nghèo đeo đẳng. Hoàn cảnh như em Hằng là không hiếm bởi đây là nơi những phận nghèo hội tụ.
Bé Huỳnh Anh năm nay 9 tuổi nhưng chưa 1 ngày được đến lớp và chỉ mới đang bắt đầu tập đánh vần từng chữ. Giọng hân hoan, Huỳnh Anh cho biết “Em mới học với cô được vài ngày thôi. Trước giờ em theo mẹ đi rửa chén thuê ở Vũng Tàu không có đi học. Nghe cô dạy miễn phí nên mẹ đưa em về đây với cô. Học ở đây với cô và mấy bạn rất vui, em thích lắm. Giờ em biết đọc rồi đó”. Nhờ cô mà trẻ nghèo được đến lớp, nhờ tấm lòng cô mà trẻ kém may mắn được biết thế nào là con chữ.
Không chỉ dạy cho những trẻ em không được đến trường mà cô còn đón nhận nhiều học sinh nghèo không có điều kiện đi học thêm, có nhiều em, cha mẹ đã từng là học trò của cô lúc cô còn ở trường Lê Quý Đôn.
Cô Lê Thị Mỹ Uyên và học sinh của mình tại lớp học tình thương có hoàn cảnh khó khăn.
Lỡ duyên với nghiệp “đưa đò”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều anh chị em, cha cô lại qua đời khi cô còn nhỏ, gia đình rơi vào cảnh khó khăn mấy mẹ con nương tựa nhau sống, cô phải bỏ học giữa chừng vào năm lớp 8. Hơn ai hết cô là người hiểu được sự thiếu thốn tình cảm cũng như những khó khăn mà các em đã trải qua. Đến khi cô được 18 tuổi cũng là lúc cô đeo đuổi công việc mang con chữ đến với những mảnh đời kém may mắn.
Nhìn các em với vẻ trìu mến, cô Uyên tâm sự: “Mình không có gì để cho các em thì mình cho em cái chữ như người ta, nhất là khi cầm cây viết lên để ký tên một đơn nào đó thì các em có thể suy xét và biết mình đang ký cái gì. Không mơ ước các em học cao, chỉ cầu mong các em biết viết biết đọc, tính toán để bán vé số không lộn tiền là cô cảm thấy vui, phấn khỏi rồi”.
Nhờ tấm lòng yêu thương và thấu hiểu của cô Uyên mà nhiều trẻ em nghèo biết chữ, có những em được đi đến trường học như bao đứa trẻ khác góp phần bù đắp phần nào vào những bất hạnh mà các em phải chịu.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới đảm nhiệm công việc gõ đầu trẻ, cô Uyên cho biết: “Lúc được gợi ý đi dạy cho các em học phổ cập cũng lo lắng vì mình học không cao, không có kinh nghiệm cũng như không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm bao giờ chỉ sợ mình dạy không được”. Được các thầy cô động viên giúp đỡ rất nhiều, lúc rảnh cô thường xin ngồi dự giờ để học hỏi cách dạy từ các thầy cô khác. Nhờ sự chịu khó học tập, nghề dạy nghề mà đến cô Uyên dạy cho cách em học chữ làm toán chẳng khác nào một giáo viên chuyên nghiệp.
Nói về cách dạy của mình cô Uyên chia sẻ do đây là lớp học ban đêm, các em ở đây cũng rất đặc biệt, không thể nào lấy nội quy nhà trường ra để áp dụng được mà phải giang rộng vòng tay, lấy tình cảm để giáo dục. Những lúc có em làm sai cô thường chọn cách kể cho các em nghe về một nhân vật có thật ngoài đời gần gũi với các em, qua đó các em sẽ tự mình nhận ra được cái sai và tự tiếp thu, biết nhìn nhận cái sai, cái đúng mà sửa chữa. Cũng chính nhờ cách giáo dục này mà các em ở đây dù mang tiếng là trẻ em “đường phố” nhưng lại rất ngoan ngoãn và lễ phép.
Một phụ huynh có con đang theo học tại đây cho biết: “Mọi người giới thiệu cô Uyên dạy nhiệt tình mà không lấy tiền nên đưa con đến học. Từ ngày được cô dạy dỗ, con tôi ngoan hơn và học hành ngày càng tiến bộ. Tôi biết ơn cô Uyên nhiều lắm, tôi mong sao lớp học được duy trì mãi để con em khó khăn như chúng tôi có nơi học tập”.
Những tấm lòng thiện nguyện
Cô yêu thương các em như chính những đứa con của mình và thậm chí sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc cá nhân của mình. “Trước khi kết hôn tôi có nói trước với ổng (chồng của cô Uyên-PV), em đã gắn bó với mấy đưa nhiều năm nay, các em thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, em xem chúng như máu thịt của mình. Nếu anh kêu em bỏ lớp thì nhất quyết em đành bỏ anh chứ không bỏ lớp đâu” cô Uyên chia sẻ.
Thấy được cái tâm và việc làm đầy ý nghĩa của cô Uyên, nhiều mạnh thường quân đã quyên góp tiền và nhiều phần quà góp sức cùng với cô duy trì lớp học với ước muốn các trẻ em nghèo được học tập và vui chơi. Nhiều bạn sinh viên cũng tình nguyện đến phụ giúp cô dạy các em những lúc nhàn rỗi.
Bạn Lê Hoàng Nam (sinh viên trường Đại học Y Dược Cần Thơ), một tình nguyện viên gắn bó lâu dài với lớp học của cô cho biết: “Em đến dạy ở lớp cô Uyên được 2 năm rồi. Nhìn các em ở đây có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học, em thương mấy em lắm. Em cảm thấy bản thân may mắn hơn các em nhiều, thấy mấy em tích cự học nên cố gắng hết sức giúp. Điều mà em cảm động nhất là tấm lòng của cô Uyên và sự ham học của các em. Cô dạy rất có tâm, yêu thương học sinh, cô không những dạy chữ viết mà còn dạy đạo đức cho các bé”.
Bà Trần Phương Dung, Phó chủ tịch UBND phường An Cư, TP. Cần Thơ đánh giá: “Lớp học của cô Uyên có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương. Chủ yếu cô tập hợp các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài địa bàn thành phố về để dạy chữ. Nhờ có cô Uyên mà nhiều trẻ em nghèo biết chữ góp phần tích cực vào công tác xóa mù chữ”.
Bà Dung cũng cho biết thêm thêm UBND cũng đã hướng dẫn cô làm một số thủ tục để các hoạt động của cô thuận lợi hơn. Đồng thời, bà Dung khẳng định địa phương sẽ hỗ trợ tối đa đối với các hoạt động thiện nguyện của cô Uyên.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.