Lập Hội đồng thẩm định Nhà nước công trình đường sắt đô thị TPHCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị TPHCM, tuyến Metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Về cơ cấu Hội đồng thẩm định Nhà nước (gọi tắt là Hội đồng thẩm định), Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Ủy viên Hội đồng thẩm định là lãnh đạo các cơ quan, bao gồm: Văn phòng Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND TPHCM.
Cơ quan thường trực Hội đồng là Bộ KH-ĐT.
Ảnh minh họa
Hội đồng thẩm định có quyền: Xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia; Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia, thanh toán các chi phí thẩm tra, thẩm định theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc thẩm định đã được phê duyệt; Yêu cầu nhà thầu tư vấn cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.
Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Hội đồng thẩm định Nhà nước tự giải thể sau khi hoàn thành công việc thẩm định theo quy định.
Về trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, Cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.