Chi cục QLTT Hà Nội vào cuộc làm rõ những bất cập ở các thương hiệu Coco shop, Sakuko
Theo thông tin mà Công lý & Xã hội cập nhật được, Chi cục Quản lý thị Hà Nội đã vào cuộc làm rõ những bất cập ở các thương hiệu Coco shop, Sakuko mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Hiện nay, vấn đề gian lận thương mại được coi là vấn đề rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, hàng loạt vụ "bê bối" về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá sản phẩm của các thương hiệu lớn đã được vạch trần.
Sau gần một tuần kiểm tra, hệ thống “Con cưng” vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan quản lý thị trường (QLTT) và Bộ Công Thương xung quanh những nghi vấn liên quan đến các dấu hiệu vi phạm của chuỗi cửa hàng này về ghi nhãn hàng hoá, nguồn gốc, xuất xứ, hoá đơn chứng từ…
Trước “Con Cưng”, năm 2017, thương hiệu Khaisilk gây chấn động thị trường và cả người tiêu dùng bởi hàng vi nhập khăn lụa Trung Quốc về rồi gắn mác Việt Nam, bán với giá hàng triệu đồng trong một thời gian dài.
Cũng mới đây, Bộ Công Thương đã có kết luận về việc thương hiệu Mumuso nhập tới 99,3% hàng hoá từ Trung Quốc rồi quảng cáo là xuất xứ Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.
Một cửa hàng bán lẻ hàng Nhật nội địa của Sakuko Việt Nam.
Điều đáng nói, hầu hết các vụ bê bối về thương hiệu vừa nêu trên, đều được chính người tiêu dùng “phát giác”, rồi mới có sự vào cuộc và phanh phui từ các cơ quan chức năng.
Cùng với sự vào cuộc của Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương....vừa qua, PV Công lý & Xã hội đã tìm hiểu nhiều thương hiệu có dấu hiệu như vậy.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, Coco Shop là một thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm khá có tiếng tại Thủ đô Hà Nội. Nhưng theo ghi nhận của PV, tại đây rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm không hề có tem, nhãn phụ. Chính người quản lý của Coco Shop và các nhân viên ở đây cũng thừa nhận Coco Shop bán cả hàng chính hãng và hàng xách tay. Dấu hiệu để phân biệt hai loại hàng hoá này chính là nhãn phụ Tiếng Việt được in trên các sản phẩm.
Tương tự đó, một thương hiệu khác là Sakuko Việt Nam, đây là một hệ thống chuỗi các cửa hàng bán lẻ hàng Nhật nội địa với hàng chục chi nhánh trên khắp cả nước, với hơn 5000 sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa cho trẻ em, bà mẹ, đồ thực phẩm đóng hộp, thời trang. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì có rất nhiều sản phẩm được bày bán tại đây chưa hề có xác nhận công bố của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. Ngoài ra, trước đó, Sakuko cũng đã từng bị báo chí phanh phui về việc sản phẩm không có nhãn phụ Tiếng Việt, còn mập mờ giữa hàng xách tay và hàng chính hãng được nhập khẩu.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nhằm làm rõ vấn đề. PV Công lý & Xã hội đã liên hệ với Chi cục QLTT Hà Nội để kiểm tra những thương hiệu nêu trên.
Trước đó, trong bối cảnh gian lận thương mại tràn lan, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra gắt gao những doanh nghiệp, thương hiệu có dấu hiệu vi phạm. Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã đưa ra những báo động tình trạng làm giả xuất xứ hàng hoá, nhập nhèm nguồn gốc. Nhiều tình trạng như các doanh nghiệp trong nước móc nối với doanh nghiệp nước ngoài, làm giả xuất xứ hàng Việt Nam đối với những sản phẩm không phải hàng Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan ở những nước nhập khẩu.
PV Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.