Bộ luật Dân sự 2015: Bổ sung cơ chế pháp lý về thực hiện, bảo vệ quyền dân sự
Xác định rõ vị trí, vai trò là “luật chung” của hệ thống pháp luật tư, BLDS năm 2015 đã có quy định khái quát, rõ hơn bản chất của các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh, về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự…
Quy định thống nhất các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Tại Điều 1 của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này là “Quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)”.
So sánh với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 quy định khái quát và xác định rõ hơn bản chất của các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS đó là các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm, gắn với quyền tài sản và quyền nhân thân phi tài sản; không liệt kê các loại quan hệ dân sự như BLDS năm 2005.
Điều 3 BLDS năm 2015 quy định 5 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, thể hiện nguyên lý cơ bản nhất của quan hệ dân sự và của pháp luật dân sự, bao gồm: Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; Nguyên tắc thiện chí, trung thực; Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự. Việc quán triệt các nguyên tắc này nhằm bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
So sánh với BLDS năm 2005, quy định về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong BLDS năm 2015 có tính bao quát hơn để phù hợp với tính đa dạng trong điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong việc thiết lập nền tảng về chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật dân sự.
Một phiên tòa dân sự
Về kỹ thuật lập pháp, toàn bộ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự chỉ ghi nhận trong 1 điều luật (BLDS năm 2005 quy định thành 1 chương - Chương II Phần thứ nhất - với 9 điều luật - từ Điều 4 đến Điều 13); đồng thời, chuyển quy định về “Căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ” không ghi nhận ở Chương “Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” để đưa về Chương “Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự” nhằm bảo đảm phù hợp với nội dung.
BLDS 2015 quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan (Điều 4), khẳng định rõ BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong BLDS, trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của BLDS được áp dụng. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của BLDS và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
BLDS 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về tạo lập công cụ pháp lý trong giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định của pháp luật. Bên cạnh kế thừa, phát triển quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật của BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì có thể áp dụng tập quán; trường hợp cũng không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật; trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để giải quyết vụ, việc dân sự.
Cơ chế thực hiện, bảo vệ quyền dân sự
Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự, BLDS năm 2015 quy định như sau:
Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vi phạm quy định về “Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự” của Bộ luật dân sự; việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác (Điều 9).
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm các nghĩa vụ của mình hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật (khoản 1 Điều 10);
Cá nhân, pháp nhân có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình theo quy định của pháp luật. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết vụ việc (Điều 12 và Điều 14).
So sánh với BLDS năm 2005, điểm mới nổi bật nhất của BLDS năm 2015 liên quan đến việc bảo vệ quyền dân sự là quy định việc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phù hợp với vai trò của Tòa án là cơ quan bảo vệ công lý. Đây là quy định tiến bộ, đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết mọi tranh chấp trong nhân dân, góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội.
Bên cạnh các nội dung cơ bản nêu trên, vị trí, vai trò “luật chung” của BLDS năm 2015 còn thể hiện trong các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ dân sự, giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trách nhiệm dân sự…
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.