Không để thủ tục “hạ gục” chính sách
Ít có một chính sách an sinh xã hội nào mà quá trình triển khai nhanh như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Những thủ tục bị xem là rườm rà, không cần thiết cơ bản được cắt bỏ. Đến thời điểm này, dư luận cũng chưa nhận được phản ánh về sự thất thoát, sai đối tượng trong gói hỗ trợ này. Có thể thấy, chính sách đúng, các cấp, các ngành thực sự quyết tâm, thực hiện với trách nhiệm cao nhất thì sẽ được triển khai với thời gian nhanh nhất.
Trước hết phải khẳng định, các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là các gói hỗ trợ là rất nhân văn và thiết thực, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Những chính sách đúng, đi vào cuộc sống đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực, luôn được dư luận chờ đợi và ủng hộ.
Tuy vậy, trên thực tế, có nhiều chính sách an sinh xã hội chậm đi vào cuộc sống do quá trình triển khai vướng mắc bởi những quy định không sát thực tế, những rào cản kỹ thuật đã khiến người được thụ hưởng nản lòng không muốn đi làm các thủ tục. Điều này cũng làm mất đi ý nghĩa thiết thực, tính nhân văn của nó. Có thể điểm tên một số chính sách như vậy.
Người lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất tại nhà máy bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 - Ảnh: TTXVN
Qua thực tế và nhiều ý kiến góp ý cho thấy, có cơ sở để khắc phục được điều này. Thứ nhất, quá trình xây dựng, ban hành và triển khai chính sách, người cán bộ phải luôn có ý thức làm đúng, làm việc vì lợi ích chung, vì nước, vì dân, không tư lợi. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì cần phát huy dân chủ.
Những vấn đề khó, chưa có tiền lệ thì vẫn có thể đột phá được bằng cách xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ. Thứ hai, tập trung làm tốt khâu kiểm tra, giám sát trong và sau quá trình triển khai. Khâu hậu kiểm phải được làm chặt chẽ, nghiêm túc để những người thực hiện không dám làm sai, không thể làm sai. Đặc biệt, cần xử lý rất nghiêm khắc, minh bạch những sai phạm nếu có.