Quy hoạch “tôn trọng” không gian cộng đồng
Lãnh đạo huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã quyết định và ‘tiêu tốn’ nhiều công sức để tạo nên hình hài thị trấn đô thị có nhiều không gian cộng đồng, công viên cây xanh… phục vụ cuộc sống người dân.
Cầu Phú Văn nối liền Thị xã Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân tạo đà phát triển kinh tế vùng
Không gian xanh giữa đô thị
Nhiều người đặt chân đến thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định không khỏi giật mình bởi đứng trước những không gian cộng đồng như: công viên, cây xanh, quảng trường, hồ sinh thái…, tất cả đều nằm ở vị trí đắc địa trung tâm của huyện trung du này. Xuyên suốt các nhiệm kỳ qua, lãnh đạo huyện Hoài Ân luôn dành những khu đất ở vị trí “vàng”, để xây dựng các quảng trường, công viên, cây xanh.
Nguyên Bí thư Huyện uỷ Hoài Ân Hoàng Anh Dũng cho biết, sau chiến tranh, vùng trung du Hoài Ân vốn là huyện nghèo hoang hoá. Tuy nhiên, 10 năm gần đây nhờ sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ, bộ mặt huyện thay đổi “chóng mặt”, hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, đời sống người dân và bức tranh kinh tế bứt phá theo từng ngày.
Ông Dũng dẫn chứng, quy hoạch thị trấn Tăng Bạt Hổ đã có từ 30 năm trước, thế hệ sau này kế thừa và mở rộng, chứ không hề phá vỡ quy hoạch này. Nhiều vị trí trung tâm của thị trấn được lãnh đạo huyện ưu tiên chọn để xây dựng công viên, quảng trường… điểm đến cộng đồng để người dân đi bộ, thể dục.
“Chủ tịch huyện Nguyễn Hữu Khúc thời còn đảm nhiệm chức vụ Phó phòng Tài chính – Kế hoạch ở Uỷ ban huyện đã có ý tưởng và mạnh dạn đề xuất lãnh đạo phát triển cây xanh trong cộng đồng. Các khu phố thị trấn trồng nhiều cây xanh vỉa hè, xây dựng công viên, quảng trường cũng xuất phát từ ý tưởng này. Hiện tại việc dành không gian cộng đồng, đang lan toả về các xã”, ông Dũng nói.
Công viên cây xanh nằm giữa trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân
Là người con xa xứ, mỗi dịp về thăm quê, bà Nguyễn Thu Nga (50 tuổi) rất phấn khởi khi lãnh đạo huyện Hoài Ân có chủ trương và quyết định dành nhiều khu đất trung tâm xây dựng không gian cộng đồng, nhằm phục vụ cuộc sống người dân.
“Nhiều nơi ồ ạt san lấp đất đẹp phân lô bán nền, phát triển đô thị mà quên mất quy hoạch không gian dành cho cộng đồng, việc này rất có ý nghĩa cho thế hệ con cháu về sau. Thị trấn Tăng Bạt Hổ có điểm khác biệt là mở rộng nhiều công viên, trồng cây xanh. Chúng tôi mong lãnh đạo huyện tạo nhiều không gian trong lành, như vậy sẽ tốt hơn cho sức khoẻ của người dân”, bà Nga nói.
Để tạo ra được ‘hình hài’ không gian xanh của thị trấn Tăng Bạt Hổ như hôm nay, đây là sự cố gắng rất lớn mà huyện trung du này đã làm được cho đến lúc này.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, trên cơ sở quy hoạch chung thị trấn Tăng Bạt Hổ được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, huyện Hoài Ân tổ chức quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, đảm bảo diện tích cây xanh và diện tích đất công cộng phục vụ nhân dân, tạo không gian phát triển hiện đại.
“Chúng tôi làm bằng nhiều cách để tạo không gian cộng đồng, mục đích cuối cùng là để người dân có thể vui chơi, đi bộ thể dục thoả mái. Làm sao trong thị trấn và các xã phải có thật nhiều cây xanh, cảnh quan tự nhiên, tạo sự phát triển hài hòa, đảm bảo cuộc sống người dân”, ông Khúc chia sẻ.
Công viên Đồi Cấm nơi thể dục, vui chơi của người dân
“Bứt phá” hạ tầng giao thông
“Dong xe” đi qua cầu Phú Văn vừa hoàn thành, ông Hoàng Nguyễn Quang Thống (ở thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) cùng nhiều công nhân làm việc ở thị xã Hoài Nhơn không khỏi bất ngờ, trước sự thay đổi của quê hương.
Cây cầu này dài trên 214 m với mức đầu tư hơn 96 tỷ đồng, kết nối vùng giữa thị xã Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân. “Lúc chưa có cầu, giao thông đi lại rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Giờ cầu xây xong, đường sá được làm mới. Tôi tưởng tượng vùng quê Hoài Ân sẽ sớm lên đời, cuộc sống người dân được ổn định và tốt hơn theo từng ngày”, ông Thống cho hay.
Lãnh đạo huyện Hoài Ân kỳ vọng, cầu Phú Văn sẽ là điểm nhấn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng phía Đông Bắc của huyện Hoài Ân với thị xã Hoài Nhơn, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối phát triển kinh tế của người dân toàn vùng.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho rằng, ngoài xây dựng phát triển toàn diện về bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội, những năm gần đây, huyện này đặc biệt chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản và đời sống người dân.
Quảng trường trung tâm, không gian cộng đồng ở thị trấn Tăng Bạt Hổ
Hệ thống giao thông là yếu tố quan trọng, được ví như “chìa khóa” mở cánh cửa hoạt động giao thương của huyện đối với các địa phương khác. Từ đó, huyện này đã huy động tốt các nguồn lực để triển khai hàng loạt công trình trọng điểm như: nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT630 đoạn Quốc lộ 1 - Ngã ba Kim Sơn; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Mộc Bài - Mỹ Thành và ĐT630 đi trung tâm xã Đak Mang; Cầu Nhơn An, Bằng Lăng, Đồng Tròn; tuyến Ân Phong – Ân Tường Đông; nâng cấp mở rộng tuyến Trung tâm huyện đến cầu Phú Văn.
Ngoài ra, các công trình phục vụ dân sinh cũng được đầu tư dây dựng, đáng chú ý nhất là các công trình kè chống sạt lở bờ sông thôn Phú Hữu II và Truông Gò Bông; kè chống sạt lở cầu Phong Thạnh; nâng cấp tuyến đường hệ thống tưới hồ chứa nước Hội Long; hệ thống các cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh.
“Có thể khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống người dân của huyện Hoài Ân từng bước hoàn thiện, ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của Đảng bộ, chính quyền quân và dân Hoài Ân”, ông Nguyễn Hữu Khúc nói.
Hạ tầng giao thông được đầu tư góp phần làm thay đổi bộ mặt huyện trung du Hoài Ân
Bí thư Huyện uỷ Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh cho rằng, tập trung vào thế mạnh nông nghiệp, đây sẽ là hướng đi mũi nhọn để tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Đặc biệt là huyện đã và đang thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh của địa phương như bưởi, bơ sáp, dừa xiêm…
Bức tranh kinh tế - xã hội ở huyện Hoài Ân đang từng bước được xây dựng và phát triển nhanh nhưng bền vững. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở huyện trung du này, đạt 41 triệu đồng/ năm.
“Những năm gần đây, cơ sở hạng tầng, hệ thống giao thông có nhiều bước tiến vượt bậc. Hệ thống giao thông liên xã, liên huyện đều được bê tông hoá, ngoài ra các công trình dân sinh, trường học, cơ sở y tế được chú trọng xây dựng, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho cuộc sống người dân”, bà Hạnh khẳng định.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.