TP.HCM: Quyền lợi chính đáng của người dân cần được giải quyết
Mặc dù đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của UBND TPHCM cho người dân thực hiện các thủ tục, giấy tờ đất đai theo quy định, thế nhưng do một văn bản vào năm 2007 yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu đất chưa được gỡ bỏ...
Bác khiếu nại đòi đất
Khu đất có diện tích hơn 6ha tọa lạc tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM có nguồn gốc của gia đình ông Tăng Như Hoa từ năm 1966. Sau giải phóng, phần đất này được đưa vào tập đoàn 8 để sản xuất. Tiếp đó, tập đoàn 8 giao lại cho các thành viên tiếp tục sử dụng, trong đó có ông Đỗ Văn Trì. Đến năm 1982 thì ông Trì đăng ký sử dụng đất theo chỉ thị 299/TTg.
Ông Trì trực tiếp canh tác và chia lại cho các con cháu trong gia đình, gồm các ông (bà) Đỗ Văn Giao, Nguyễn Văn Sang, Đỗ Văn Tài, Đỗ Văn Thại, Đỗ Thị Lợi, Phan Hữu Khánh và ông Đỗ Thái Hùng. Các con cháu của ông Trì tiếp tục canh tác và đóng thuế nông nghiệp đầy đủ từ sau năm 1975 cho đến nay, đã được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận hợp pháp đồng thời một số người đã chuyển nhượng lại cho người khác sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Tâm phải sống tạm trên lô đất của mình vì đất bị gắn mác “đất tranh chấp”
Tuy nhiên, năm 1996 ông Tăng Văn Giàu và bà Phạm Thị Nguyệt, lấy danh nghĩa con cháu gia đình ông Tăng Như Hoa khiếu nại đòi được các con cháu ông Trì chia lại đất cho mình. Vụ việc được Thanh tra TP.HCM vào cuộc, trên cơ sở các giấy tờ pháp lý liên quan của các bên, đã ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại số 365/QĐ-TTr và quyết định 5346/QĐ- UBND với nội dung: bác khiếu nại đòi đất của bà Nguyệt, ông Giàu đối với phần có diện tích hơn 60.000m2 (10.800 m2 theo quyết định số 365 và 55.138m2 theo quyết định 5346).
Ngoài ra, trong các quyết định giải quyết khiếu nại nêu trên, UBND TP.HCM ghi nhận sự tự nguyện của hộ ông Nguyễn Văn Giao và các hộ dân tự nguyện cho lại gia tộc ông Tăng Như Hoa một phần đất canh tác. Dù vậy, bà Nguyệt đã không đồng ý nhận phần đất này và tiếp tục khiếu nại kéo dài cho đến nay.
Quyền lợi chính đáng của người dân cần được giải quyết
Đại diện UBND phường Phú Hữu, khi nhiều lần phải đứng ra giải quyết các khiếu nại của bà Nguyệt cho biết, dù hộ ông Đỗ Văn Giao và 8 hộ gia đình các con cháu của ông Trì đã thiện chí tự nguyện mỗi hộ cắt một phần đất cho bà Nguyệt, với tổng diện tích đã ghi nhận theo hai quyết định của UBND TP, thế nhưng bà Nguyệt lại không nhận phần đất này.
Từ đó, UBND phường Phú Hữu đã tham mưu cho UBND quận 9 giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã được UBND TP công nhận quyền sử dụng đất (ngoài phần đất các hộ gia đình đã tự nguyện giao lại cho gia tộc ông Tăng Như Hoa).
Về phía UBND quận 9 xét trên các căn cứ pháp luật đã ban hành các quyết định (số 49/1998/QĐ-UB-QLĐT; số 51/QĐ-UB-QLĐT) và các Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP bác các đơn khiếu nại của bà Nguyệt, đồng thời đồng ý để các hộ gia đình được công nhận quyền sử dụng đất theo các quyết định giải quyết khiếu nại 365 và 5346 được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Đáng chú ý, các quyết định giải quyết khiếu nại (số 5346/QĐ-UB-NC và quyết định số 365) đến nay vẫn đang có hiệu lực pháp luật và bà Nguyệt cũng đã đồng ý với các quyết định này. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao UBND TP.HCM cho đến nay vẫn chưa hủy bỏ văn bản (số 9188/VP-PC) tồn tại từ năm 2007, trong đó yêu cầu “giữ nguyên hiện trạng khu đất” do có tranh chấp.
Theo luật sư Trần Ngọc Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), văn bản số 9188/VP-PC bất hợp lý và đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi cho các hộ dân. Bởi vì những người nhận chuyển nhượng đất sau này là những người nhận chuyển nhượng hợp pháp trên cơ sở quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng (số 365/QĐ-TTr) của UBND TP đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, không thể lại ban hành một văn bản khác yêu cầu giữ nguyên hiện trạng phần đất một cách vô lý như vậy.
Theo luật sư Trường, về nguyên tắc pháp luật thì khi quyết định số 365/QĐ-TTr và quyết định số 5346 của UBND TP chưa bị hủy bỏ thì không thể ban hành một văn bản khác cùng cấp tùy tiện hạn chế các quyền của người sử dụng đất.
Chính do những bất cập của văn bản số 9188/VP-CP gắn mác “đất tranh chấp” đối với khu đất đã khiến việc thực hiện các quyền hợp pháp của người sử dụng đất (sang nhượng, chuyển nhượng, thực hiện thủ tục nhập khẩu,…) gặp nhiều khó khăn… Người dân đã được công nhận sử dụng đất theo các quyết định đã có hiệu lực của UBND TP và đã được cấp giấy chứng nhận cũng không thể canh tác, sản xuất và thực hiện đầy đủ quyền của người sử dụng đất hợp pháp trên chính mảnh đất của mình.
Không những vậy, trên toàn bộ phần đất hơn 60.000m2 đã giải quyết theo hai quyết định 365 và 5346, ai muốn làm gì đều phải thỏa thuận với bà Nguyệt (mặc dù bà Nguyệt không phải là người được tất cả các con cháu ông Tăng Như Hoa ủy quyền thực hiện hai quyết định 365 và 5346). Một số hộ dân cho biết khi họ gặp bà Nguyện để thỏa thuận giao đất thì bà Nguyệt yêu cầu phải chia đôi phần đất và điều này hoàn toàn trái với nội dung các quyết định giải quyết khiếu nại.
Các hộ dân mong muốn UBND TP sớm thu hồi lại văn bản 9188/VP-CP và các văn bản trái luật liên quan, trên cơ sở các quyết định giải quyết khiếu nại đã được UBND TP ban hành, đã có hiệu lực pháp luật. Bởi vì, chính do văn bản trái pháp luật nêu trên đã vô tình tiếp tay cho việc cản trở quyền sử dụng đất hợp pháp của những người sử dụng đất đã được công nhận theo các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.