"Lá bùa hộ mệnh" xuất hiện giữa "tâm bão" bắt cóc: Hài hước đến... đau lòng!
Chưa rõ thực hư của những lời đồn đoán trên mạng, nhưng mới đây rất nhiều chiếc xe ô tô đã được chủ nhân của nó gắn “bùa hộ mệnh” là những tờ giấy có ghi các dòng chữ trên giấy A4, đại loại để chứng minh mình không phải bắt cóc trẻ em (!).
Những "lá bùa" được gắn lên ô tô
Họ làm điều ấy để làm gì? Rất đơn giản và dễ hiểu! Bởi giữa "tâm bão" đồn đoán, hỗn mang giữa thật giả trên mạng xã hội, cũng đã có những trường hợp oan và chịu hậu quả nặng nề như vừa xảy ra trong thực tế.
Gần đây nhất là câu chuyện hai người phụ nữ bán tăm bị hành hung dã man khi bị nghi ngờ là bắt cóc trẻ em khiến nhiều người đau xót và giật mình... nghĩ lại. Hai phụ nữ đã lớn tuổi; và một trong hai người này còn có hoàn cảnh khá khó khăn. Việc cho một đứa trẻ kẹo để đến nỗi bị đánh đến nhập viện thể hiện việc niềm tin đang bị hủy diệt. Vì không tin việc làm đó là bình thường, là tốt, là thể hiện sự yêu mến trẻ nhỏ nên người ta mới động thủ.
Cũng khó có thể trách đám đông, bởi thông tin về những vụ giết hại, bắt cóc trẻ em được đưa lên trong thời gian vừa qua là quá sốc và đau đớn. Chẳng ai muốn con em mình gặp phải hoàn cảnh tương tự…
Thế nhưng, bên cạnh những chi tiết "thêm mắm giặm muối" từ các "tay bút nổi danh" trên mạng xã hội đi kèm một lượng thông tin, lời cảnh báo được truyền tải kịp thời, cụ thể của giới truyền thông đã gử góp phần giúp mọi người trở nên "cảnh giác" hơn. Và hình ảnh chiếc xe Fortuner bị đốt thành tro ở một tỉnh miền Bắc gây xôn xao trên mạng xã hội cũng xuất phát từ sự “cảnh giác” thái quá của người dân. Chỉ có điều, khi "sự “cảnh giác” này được thêm thứ "gia vị đám đông" - một cách thiếu hiểu biết - thì nó trở nên thật đáng sợ", một độc giả bình luận.
Lại nói về tấm "bùa hộ mệnh" nghe chừng có vẻ khôi hài nói trên được đưa lên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây chẳng qua là một trò chơi tiếp nối của những facebooker hài hước. Nhưng cũng nhiều người nghĩ, biết đâu hành động này là có thực cho thấy sự "cảnh giác" của người đi ô tô vào khu vực khác, để... không bị ăn đòn, để không bị đốt xe...
Cộng đồng mạng xôn xao và bàn tán rôm rả, rồi ngay lập tức share (chia sẻ) đến nhiều nhóm, diễn đàn, mạng xã hội khác nhau. Nút like trở nên "đắt giá"!
Nhưng... liệu tấm biển - lá bùa hộ mệnh giúp "bình an" cho chủ nhân chiếc xe khi đi vào một ngôi làng nào đó có thể giúp người dân nơi đây hoàn toàn tin tưởng? Rất khó. Và nếu "lá bùa" có "quyền lực" thực sự, giúp chủ nhân bình an thực sự thì biết đâu lại dẫn đến một câu chuyện khác. "Bọn bắt cóc bây giờ sẽ thêm chiêu trò treo tấm bảng này để che mắt người xung quanh. Mong mọi người cẩn thận để mắt tới con em mình tránh điều đáng tiếc xảy ra"?. Ai mà biết được!
Vâng, cảnh giác và cảnh giác. Cảnh giác tối đa. Cuối cùng sẽ là gì? Lo sợ. Bất an. Nghi ngờ. Và để rồi khi nỗi sợ, nỗi nghi ngờ lên tới đỉnh điểm, con người ta dường như lại trở nên tàn nhẫn hơn, đám đông sẵn sàng ra tay, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay những người - bị - nghi ngờ là kẻ bắt cóc "đội lốt"...
Trong khi đó, luật pháp thượng tôn, chúng ta làm gì cũng cần tôn trọng và tuân theo Hiến pháp, các quy định của pháp luật... "Phép vua thua lệ làng? "Thay trời hành đạo" ư? Đám đông xin đừng biện minh cho hành động của mình bằng nỗi lo lắng, sự nghi ngờ và thiếu hiểu biết một cách tàn nhẫn!", một bạn đọc chia sẻ.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.