Bình Dương: Đã giao đủ tiền mua nhà, nhưng 10 năm chỉ được... cầm sổ đỏ
Ông Nguyễn Văn Nghiêm (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) viết trong đơn cầu cứu gửi về Tòa soạn: "Tôi bỏ tiền tỷ mua nhà nhưng 10 năm nay chỉ được cầm sổ đỏ còn nhà thì người khác ở".
Nhận đủ tiền nhưng không chịu giao nhà
Vừa qua, Tòa soạn nhận được đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Nghiêm (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) về việc cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương không cương quyết trong xử lý vụ tranh chấp dân sự khiến gia đình ông chịu thiệt thòi rất lớn. “Tôi không thể tin được một sự thật đang diễn ra với mình. Tôi đã mua một căn nhà, đã giao đủ tiền, làm sổ mới mang tên tôi nhưng người bán sau đó vẫn ở “lỳ” không chịu giao nhà. Tôi bỏ tiền tỷ mua nhà nhưng 10 năm nay chỉ được cầm sổ đỏ còn nhà thì người khác ở”, ông Nghiêm bức xúc nói.
Ông Nghiêm tiếp xúc với PV
Theo đơn trình bày của ông Nghiêm, vào đầu năm 2008, sau khi biết ông Biện Văn Dũng (ngụ phường Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) bán nhà ở gắn liền với đất, ông Nghiêm đã tìm đến mua. Cụ thể, ông Dũng bán thửa đất số 957 tờ bản đồ số 08 có diện tích 664m2, trong đó có 50m2 đất thổ cư và 614m2 đất trồng cây lâu năm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH338448 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một ký ngày 30/03/2007 số vào sổ H 22776. Vợ chồng ông Dũng đã làm các thủ tục chuyển nhượng và nhận đủ tiền mua đất là 1.750.000.000 đồng của ông Nghiêm nhưng sau đó vẫn không chịu giao nhà.
Bất lực trước việc người bán nhà “giở trò”, ông Nghiêm đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Tại trụ sở UBND phường Phú Mỹ, ông Dũng đã đồng ý giao nhà sau 3 tháng nhưng sau đó vẫn tiếp tục ở và không chịu dời đi. Trước tình thế này, ông Nghiệm buộc phải đưa vụ tranh chấp dân sự ra tòa để giải quyết. Bản án số 118/2013/DS-ST ngày 20/12/2013 của TAND TP. Thủ Dầu Một và bản án số 158/2015/DS-PT ngày 15/09/2015 của TAND tỉnh Bình Dương, cả 2 bản án sơ, phúc thẩm đều cùng chung quyết định buộc ông Dũng phải giao nhà cho ông Nghiêm. Thế nhưng, dù nhận được quyết định của tòa, ông Dũng vẫn tiếp tục ở và không chịu dời đi nơi khác.
Mập mờ trong thi hành án?
Ông Nghiêm cho biết, sau khi nhận quyết định từ tòa án, ông đã làm đơn gửi Chi cục Thi hành án dân sự (gọi tắt là THADS) TP. Thủ Dầu Một vì ông Dũng không tự nguyện giao nhà. “Tôi đã đến Chi cục THADS TP. Thủ Dầu Một để đóng án phí 362.246.500 đồng. Tuy nhiên, vụ việc sau đó cứ kéo dài mãi, ông Dũng vẫn không chịu dời đi, phía Chi cục THADS TP. Thủ Dầu Một vẫn không thực hiện lệnh cưỡng chế. Tôi đã đôn thúc nhiều lần nhưng chấp hành viên cứ lấy đủ lý do để trì hoãn, không thi hành án sớm”, ông Nghiêm nói.
Theo ghi nhận của PV, ngày 30/8/2016 Chi cục THADS TP. Thủ Dầu Một đã ra quyết định số 76 QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất đối với hộ ông Biện Văn Dũng. Tuy nhiên, khi đã có quyết định cưỡng chế, chấp hành viên vẫn không triển khai thực hiện để vụ việc kéo dài. Đến ngày 27/12/2016 (tức gần 4 tháng sau khi ra quyết định cưỡng chế), Chi cục THADS TP. Thủ Dầu Một lại ra quyết định số 35 QĐ-CCTHADS về việc hoãn THA đối với ông Biện Văn Dũng. Quyết định hoãn THA này được cho là do TAND Tối cao tại TP.HCM đang nhận thụ lý vụ án theo đơn kháng án của ông Dũng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được quyết định hoãn THA, ông Nghiêm tỏ ra bức xúc và cho rằng đơn vị THA cố tình kéo dài thời gian, không xử lý cương quyết và dứt điểm vụ việc. Ông Nghiêm bày tỏ: “Trong quá trình xử lý vụ việc, chấp hành viên liên tục lấy các lý do thiếu thuyết phục để biện hộ cho việc không thể cưỡng chế nhà ông Dũng. Tôi biết, ông Dũng có những mối quan hệ với một số cán bộ công tác trong ngành tòa án nhưng không thể vì thế mà khiến vụ việc trở nên phức tạp. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sớm xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc để gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Ông Nghiêm cho biết thêm, vì vụ việc kéo dài gần 10 năm chưa giải quyết được khiến gia đình ông chịu nhiều thiệt thòi. Bởi vì, số tiền gần 2 tỷ đồng ông bỏ ra mua nhà, đất nhưng chưa một lần được sử dụng đến. Hơn nữa, ông Nghiêm còn bị ông Dũng vu oan lừa đảo. Điều này đã khiến tinh thần ông Nghiêm bị ảnh hưởng nặng. Không chỉ vậy, ông Nghiêm còn mất tập trung công việc để lãng phí dành thời gian đi đòi lại căn nhà đã mang đầy đủ tên mình là chủ sở hữu. Thiết nghĩ, qua vụ việc các cơ quan chức năng liên quan sớm xem xét đưa vụ việc ra xử lý dứt điểm tránh khiếu kiện kéo dài. Đặc biệt, nhằm tránh dư luận không tốt trước một vụ án tranh chấp dân sự nhỏ phải kéo dài nhiều năm chưa thể giải quyết.
Thực hiện lệnh cưỡng chế sau 10 ngày tự nguyện Liên quan đến vụ việc, Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 có quy định thời hạn thực hiện công việc nhất định trong quá trình thi hành một việc THA. Theo đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu THA của đương sự, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định THA; trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định THA, Thủ trưởng cơ quan THADS phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định THA đó. Trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, chấp hành viên phải lập hồ sơ THA. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì thực hiện lệnh cưỡng chế. |
* Đây là vụ việc gây bức xúc dư luận, báo CL&XH sẽ tiếp tục phản ánh khi có phản hồi của các cơ quan liên quan.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.